Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tiền thưởng Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2019 có phải đóng BHXH?

Tiền thưởng Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2019 có phải đóng BHXH?
Khoản tiền thưởng Tết không có tính thường xuyên, liên tục và cố định. Do đó khoản tiền này sẽ không làm cơ sở tính đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

Những ngày gần đây nhiều người thắc mắc về vấn đề từ ngày 1/1/2018, mức đóng BHXH tính trên tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác, vậy tiền thưởng Tết dương lịch 2019 và Nguyên đán tới đây có được xem là "khoản bổ sung" và phải tính đóng BHXH?

Tiền thưởng Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2019 có phải đóng BHXH?
Thưởng Tết là khoản không cố định

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Duy Cương-Vụ Phó vụ Bảo hiểm (bộ LĐ-TB&XH), tiền lương phải đóng BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH năm 2014 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của bộ LĐ-TB&XH.

Theo đó, tiền lương đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2016 và hết năm 2017 được đóng dựa trên mức lương và phụ cấp lương. Từ ngày 01/01/2018, BHXH bắt buộc được đóng dựa trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Về những khoản bổ sung và khoản phụ cấp sẽ được tính đóng BHXH từ 01/01/2018, ông Nguyễn Duy Cường cho biết: Các nội dung đóng BHXH đã được quy định rõ tại Điều 30 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, chỉ những nhóm phụ cấp lương được xác định cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định sẽ được tính đóng BHXH; còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng BHXH.

Cụ thể, các khoản tính đóng BHXH từ 1/1/2018 bao gồm: Tiền lương; phụ cấp lương là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút; các phụ cấp có tính chất tương tự.

Và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Như vậy, việc đóng BHXH sẽ không phải tính trên mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Căn cứ vào quy định trên, khoản tiền thưởng Tết không có tính thường xuyên, liên tục và cố định. Do đó khoản tiền này sẽ không làm cơ sở tính đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

H.A (TH)

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.21926 sec| 633.93 kb