Mười năm gắn bó ngậm ngùi đi làm công nhân
Tinh giản biên chế đang là 1 trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và nhận được sự dồng thuận cao của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Tinh giản biên chế là cần thiết, để giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước, để tăng hiệu suất lao động, để đồng tiền ngân sách được chi trả đúng người, đúng việc.
Tuy nhiên, nhìn lại việc tinh giản biên chế trong giáo dục thì lại có không ít câu chuyện đau lòng. Cô giáo Đ.T.M. (GV Ngữ văn tại Hải Dương) tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm II năm 2010, với niềm mong mỏi cống hiến cho quê nhà, chị M. trở về quê nhà Hải Dương gạt bỏ đi nhiều cơ hội đến với cô ở Hà Nội mà nhiều người mong muốn. Sau khi về quê, tân cử nhân ngành sư phạm xin được làm giáo viên môn Văn tại một trường bán công trên địa bàn tỉnh.
Suốt những năm sau đó, cô M. luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và đạt được danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Tưởng chừng như sẽ được sống mãi với đam mê của mình, thì mới đây cô M. bất ngờ nhận được thông tin rằng mình đang đứng trước nguy cơ mất việc khi năm học này kết thúc.
Cô M. cho biết: “Năm 2016, sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tuyển viên chức trên địa bàn toàn tỉnh, chúng tôi tham gia thi cùng tất cả giáo viên trẻ mới ra trường, các giáo viên ở các trường ngoài có nguyện vọng mà trường họ đang giảng dạy không có chỉ tiêu”.
“Là một giáo viên trong ngành đã bước sang năm thứ 9, từ hợp đồng dài hạn đến ngắn hạn và giờ lại thất nghiệp đi làm công nhân. Tôi nhận thấy rằng, phải chăng chúng ta đang cắt giảm một cách máy móc, cơ học theo tinh thần chủ trương tinh giản biên chế. Số biên chế hàng năm các tỉnh giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã thấp hơn mức quy định của Bộ, nay lại tinh giản khiến cho con đường vào biên chế ngày càng thu hẹp nếu không nói là gần như bằng không”, cô giáo ngậm ngùi.
“Cùng với đó, các trường buộc phải kí hợp đồng lao động đối với những người như chúng tôi với mức lương ít ỏi và gần như không có bất cứ một chế độ nào. Gần đây, hẳn dư luận còn nhớ những giọt nước mắt đắng cay của các giáo viên ở Thanh Oai, Cà Mau, Đắk Lắk khi bị thông báo cắt hợp đồng lao động. Có những người đã gắn bó gần 10 năm, 20 năm với nghề. Hoặc sự chờ đợi trong mỏi mòn, lay lắt của các giáo viên hợp đồng ở Hải Dương khi đã vào năm học mới mà vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc mình có được tiếp tục kí hợp đồng hay không?”, chị M. vừa nói vừa gạt đi giọt nước mắt lăn trên má.
Nữ giáo viên Ngữ văn cho rằng: “Việc dư thừa chúng tôi chấp nhận vì suy cho cùng nghề giáo cũng như bất cứ ngành nghề nào khác, cũng cần có sự vào ra và thải loại. Nhưng vấn đề đặt ra, dù thiếu các vị trí đảm đương công việc, các trường vẫn chấm dứt hợp đồng lao động với các giáo viên đã có tuổi nghề tuổi đời không còn ít”.
“Liệu có bao nhiêu thầy cô làm không đúng trách nhiệm, vị trí công việc mà vẫn hưởng lương Nhà nước? Và lạ là cắt đi rồi lại thiếu và phải chăng là lại phải tuyển vào những năm sau? Mong các cấp, các ngành, những người đứng đầu hãy cùng nhìn lại việc tinh giản biên chế trong giáo dục để tránh có cái nhìn phiến diện, để tránh máy móc trong thực hiện bởi đó là vấn đề liên quan đến con người, đến hoạt động dạy và học sống còn trong các đơn vị giáo dục”, cô M. tâm tư.
Các địa phương cần linh động nhiều phương án
Rõ ràng, tinh thần tinh giản biên chế, hạn chế ngân sách Nhà nước dường như đang khiến việc hủy hợp đồng với các giáo viên đang ngày càng diễn ra nhanh, mạnh và khẩn trương hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục trong bối cảnh sắp triển khai Chương trình giáo dục mới thì liệu đây có phải là “rào cản” để thực hiện?
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết tình hình giáo viên trên địa bàn tỉnh đang rất căng thẳng: “Từ năm 2015 đến giờ bộ Nội vụ không cấp thêm về biên chế giáo viên, trong khi số lượng học sinh thì tăng lên theo từng năm. Nhưng lại không có biên chế. Các tỉnh phải dùng những biện pháp như lớp đông, dẫn đến không đảm bảo chất lượng giáo dục”.
“Trong bối cảnh ấy tỉnh phải tạo cơ chế cấp cho định mức khoán (giải pháp tạm thời), không gọi là hợp đồng giáo viên mà đơn thuần chỉ là giao việc. Đối tượng cấp định mức khoán này là giáo viên về hưu, giáo viên dạy thêm giờ, hoặc thuê ở ngoài. Lượng sinh viên ra trường có nhu cầu làm việc là rất lớn, tuy nhiên chúng tôi chỉ có thể thuê khoán chứ không thể ký biên chế”, ông Đức cho hay.
Giải pháp là như vậy, nhưng ông Đức cũng phải thừa nhận rằng việc này khó có thể áp dụng lâu dài bởi sẽ gây thiệt thòi cho giáo viên cũng như không đảm bảo được chất lượng dạy và học. “Về mặt nguyên tắc của người tuyển dụng lao động thì như vậy không công bằng chút nào, nhưng đó là biện pháp cực chẳng đã. Nhiều sinh viên Sư phạm sau khi ra trường thấy tình trạng làm khoán như vậy không đảm bảo tương lai cũng như thu nhập đã đi làm công nhân ở Samsung có thu nhập cao gấp đôi, đây chính là rào cản trong việc thu hút người giỏi vào ngành”, ông Đức tâm tư.
“Một năm chúng tôi mất 150 tỷ để trả cho định mức khoán, điều đó chứng tỏ số lượng giáo viên đang thiếu là rất nhiều. Tôi cũng mong rằng sẽ có giải pháp để giải quyết việc này đối với ngành giáo dục xưa nay có rất nhiều đặc thù”, vị Giám đốc sở mong muốn.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục mới cho rằng: “Các địa phương khi thực hiện Nghị quyết TW 6 về tinh giản biên chế cần linh động không nên quá cứng nhắc, đặc biệt là đối với ngành giáo dục. Chúng ta không thể cắt giảm giáo viên nếu như không thừa, vì như thế sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục”.
Theo ông Thuyết, đảm bảo số lượng giáo viên cũng là một điều kiện cần thiết để triển khai Chương trình giáo dục mới vào năm học tới.
Công Luân