Câu chuyện về nhân sự cấp cao nhất ở Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang thu hút sự chú ý của dư luận. Thu hút bởi lẽ ngân hàng này bất ngờ thay đổi chủ tịch khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến Đại hội cổ đông thường niên (ngày 26/4). Và sau khi thay chủ tịch, người “bị thay” lại đi kiện tất cả các thành viên Hội đồng quản trị, để rồi Tòa án ngay tức khắc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng.
Chưa tiếp xúc với bị đơn đã ra quyết định
Ngày 27/3, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để buộc các đồng bị đơn đang là thành viên Hội đồng quản trị của Eximbank, bao gồm 7 ông bà là: Ông Đặng Anh Mai, ông Lê Văn Quyết, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Yasuhiro Saitoh, ông Yutaka Moriwaki và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT của Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án. Quyết định này do Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung ký.
Theo thông tin của Eximbank phát hành ngay sau khi Tòa án ban hành Quyết định số 92, thì ngân hàng “sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bao gồm: Quyền khiếu nại, kiến nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án ngay khi Ngân hàng nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu; đồng thời, yêu cầu các cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Như vậy có thể hiểu rằng, trước khi bị Tòa ra quyết định thì Eximbank chưa nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan đến việc kiện tụng. Trong khi đó, theo trình tự tố tụng, khi nhận được đơn kiện, tòa án phải tiếp xúc, trao đổi với bị đơn, sau đó mới đi đến các quyết định tiếp theo.
Việc Tòa án nhân dân thành phố đưa ra quyết định mà chưa tiếp xúc với bị đơn là không phù hợp, đồng thời đặt ra dấu hỏi phải chăng có điều gì chưa sáng tỏ phía sau việc ra quyết định vội vàng ấy của Tòa.
Cơ quan chủ quản bị đưa vào thế… bị động
Eximbank là tổ chức tín dụng, hoạt động theo Luật Tổ chức dụng và cơ quan quản lý trực tiếp cao nhất là Ngân hàng Nhà nước. Với vai trò là cơ quan quản lý, việc thay đổi nhân sự cấp cao của các ngân hàng hoặc các quyết định khác có liên quan đến nhân sự cấp cao của ngân hàng thì cơ quan này phải được biết.
Ngoài ra, việc đình chỉ quyết định thay đổi nhân sự cấp cao ở ngân hàng còn do phía Ngân hàng Nhà nước thực hiện chứ chưa phải là tòa án. Nếu liên quan đến tranh chấp sau khi các cơ quan vào kiểm tra, xác minh và ra kết quả cho thấy có vấn đề cần phải giải quyết, lúc đó NHNN mới đề nghị hoặc chuyển hồ sơ sang để Tòa án phối hợp thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi có Quyết định 92 ban hành, phía Ngân hàng Nhà nước không được thông báo cũng không được tham vấn điều gì, và rơi vào thế “bị động”.
Eximbank khiếu nại quyết định của Tòa án
Sau 2 ngày Tòa án ra quyết định, Eximbank đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Trong đơn khiếu nại do Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết ký gửi Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chánh án TAND và các cơ quan liên quan, Eximbank nêu rõ những căn cứ để cho rằng quyết định của Tòa án TP.HCM là trái luật.
Cụ thể, HĐQT Eximbank khẳng định quyết định bổ nhiệm nhân sự mới giữ chức Chủ tịch là tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ ngân hàng. Theo khoản 1, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014, người khởi kiện phải sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng. Ông Lê Minh Quốc - thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà TAND thành phố đã thụ lý.
Eximbank đồng thời cho rằng, việc Tòa án thành phố thụ lý vụ án về việc tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp các quy định, dẫn đến việc thẩm phán ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không phù hợp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, tránh những thiệt hại không đáng có gây ra cho ngân hàng, các cổ đông, Eximbank đã có đơn khiếu nại yêu cầu hủy toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thành phố.
Có thể “đùa với lửa”?
Như đã đề cập, việc ban hành quyết định số 92 của Tòa án thành phố có thể ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng. Nếu là một chủ thể bình thường, bị đơn bình thường thì có thể yêu cầu đền bù vì con số thiệt hại có thể tính toán được, tuy nhiên trong trường hợp là ngân hàng những thiệt hại là khó có thể tính toán được. Đơn cử như trong ngày 28/3, cổ phiếu của EIB đi xuống làm cho vốn hóa của ngân hàng này bốc hơi 600 tỷ đồng – ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục nghìn cổ đông. Bên cạnh đó, những tác động đến hình ảnh thương hiệu, đến hiệu quả làm việc của hơn 6.000 cán bộ nhân viên Eximbank, của các khách hàng Eximbank… cũng không loại trừ khả năng làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của quý 1.
Khi thiệt hại là rất lớn như ví dụ nói trên thì ai sẽ là người phải đền bù? Vẫn biết rằng Tòa án có dự tính một số tiền để đền bù thiệt hại nếu xảy ra khi đưa ra quyết định, nhưng với mức thiệt hại là vô cùng lớn như kể trên, chẳng hạn riêng ngày 28/3 đã là 600 tỷ đồng vốn hóa sụt giảm, thì với sự việc ra quyết định chưa thấu tình đạt lý, chưa khách quan dẫn đến thiệt hại như thế cơ quan này liệu có đền bù nổi? Nếu phải đền bù thì nguồn tiền lấy từ đâu, chẳng phải từ tiền thuế của toàn dân đóng vào hay sao?
Tham vấn ý kiến của giới luật sư, giới chuyên môn cho rằng quyết định của Tòa án TP.HCM chỉ là tạm thời, có thể sẽ dỡ bỏ nếu phía bị đơn có phản hồi hợp lý. Tuy nhiên, cũng theo các luật sư, với một sự việc khác, một chủ thể khác thì việc đưa ra quyết định vội vàng là đơn giản, vì nó không gây thiệt hại gì, song đối với chủ thể là ngân hàng, bị đơn là các lãnh đạo cấp cao nhất của ngân hàng, là cổ đông chiến lược nước ngoài thì sự việc không đơn giản như vậy. Bởi lẽ, ngân hàng là tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, tiền tệ, có thể ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ của quốc gia và môi trường đầu tư của Việt Nam. Do vậy, một quyết định vội vàng của Tòa án có thể ví như “đùa với lửa”.
Lo “đục nước béo cò”
Những biến động ở Eximbank về nhân sự cấp cao là điều đáng chú ý, nhưng nếu là dân đầu tư chứng khoán còn để ý thấy một số điều bất thường khác, đó là việc gom mua vào rất mạnh cổ phiếu EIB những ngày này. Đơn cử trong ngày 28/3 đã có lệnh gom thỏa thuận tới gần 18 triệu cổ phiếu EIB trị giá hơn 323 tỷ đồng – khối lượng “khủng” nhất kể từ ngày 21/1. Một số nhà đầu tư cho rằng, không loại trừ có sự việc cố ý đánh xuống cổ phiếu EIB để gom mua. Nếu điều này là có thật thì rõ ràng đã ảnh hưởng tới thị trường và nhiều nhà đầu tư khác.
Theo Nhà báo & Công Luận