TANDTP. Hòa Bình không ấn định thời gian cụ thể mà chỉ thông báo thời gian mở phiên tòa đến khi kết thúc.
Ngày 15/5, tại trụ sở TAND TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại bệnh viện Đa Khoa Hòa Bình khiến 9 nạn nhân tử vong.. Bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người. Bị cáo Trần Văn Sơn và Bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo Sơn và Quốc diễn ra đúng trong đợt nắng nóng, những người tham dự phiên tòa cũng tỏ ra mệt mỏi.
Trong phần xét hỏi diễn ra trong 4 ngày qua, HĐXX, VKS, các luật sư tập trung làm rõ hành vi của các bị cáo trong sự cố chạy thận. Vụ án này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Có gần chục luật sư bào chữa cho ba bị cáo. Họ đã có ý kiến chia sẻ sau phiên xử.
Tại phiên xử ngày 18/5, luật sư Nguyễn Hoàng Trung đã thông tin, có thêm một nạn nhân trong vụ việc nâng tổng số nạn nhân của vụ án lên con số 9. Việc này luật sư cũng đã thông báo và được HĐXX chấp nhận.
Một thông tin cũng được giới báo chí quan tâm đó là việc luật sư đại diện cho công ty Thiên Sơn kiến nghị HĐXX không cho các cơ quan thông tấn báo chí ghi âm, ghi hình và công bố hình ảnh của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.
Đại diện HĐXX cho rằng, đã có quy định pháp luật rõ ràng, người nào sử dụng hình ảnh của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan phải được sự đồng ý và phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng đó. Các luật sư cũng đã có ý kiến về việc này và cho rằng, việc sử dụng hình ảnh là hoàn toàn hợp pháp.
Ngày 17/5, HĐXX bất ngờ ra quyết định từ chối sự có mặt của BS Bùi Nghĩa Thịnh, một chuyên gia về chạy thận đến từ TP. HCM. Ông Thịnh được luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị triệu tập với tư cách là nhà chuyên môn trả lời các vấn đề liên quan đến thận nhân tạo và hệ thống RO. Lý do HĐXX đưa ra là "không cần thiết".
Trong khi đó, theo các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Hoàng Công Lương, họ cần sự góp mặt của chuyên gia (cụ thể ở đây là BS Bùi Nghĩa Thịnh) để góp phần làm rõ tình tiết, bản chất vụ án.
Sự thiếu vắng tiếng nói chuyên môn này dẫn đến chuyện trong phiên xử sáng 18/5, LS Trần Hồng Phúc đã phải "bất đắc dĩ" phỏng vấn một bác sĩ khác là nhân chứng của vụ án - BS Hoàng Công Tình. Ông Tình tuy là Phó khoa HSTC, nhưng là "người ngoài" với ngành thận nhân tạo và lọc máu vì không được đào tạo chuyên môn.Vì thế, câu trả lời của ông Tình chưa được như ý muốn.
Sự cố đau lòng
Sáng 29/5/2017, sự cố nghiêm trọng xảy ra tại khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Đa khoa Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), hàng loạt bệnh nhân đang được lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng. Đây là một thảm hoạ y tế gây chấn động không chỉ trong lịch sử y học Việt Nam mà còn cả trên thế giới.
Một tháng sau thảm hoạ y khoa này, viện Khoa học hình sự (bộ Công an) đã xác định có việc tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO.
Các mẫu nước cấp vào máy lọc thận số 10 và 13 cho thấy các chỉ tiêu pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Flouride lần lượt cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Chính mức Flouride cao quá mức an toàn cho chạy thận nhân tạo hàng trăm lần này là nguyên nhân gây ra thảm họa ở Hòa Bình.
PV