Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tổng thống Putin nhậm chức và lời hứa 6 năm tạo ra đột phá kinh tế

Tổng thống Putin nhậm chức và lời hứa 6 năm tạo ra đột phá kinh tế
Ông chủ Điện Kremlin cam kết "sẽ cố gắng hết sức để mang lại sự thịnh vượng" cho người dân trong lúc hứa hẹn về "những đột phá kinh tế và công nghệ" và việc khôi phục các giá trị gia đình.

Vào đầu giờ chiều ngày 7/5, ông Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 4 trước sự chứng kiến của khoảng 5.000 người tại Điện Kremlin ở thủ đô Mátxcơva.

Lễ nhậm chức của ông Putin kết thúc sau khoảng 45 phút.

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tạo được bước đột phá vì cả nước đã có sự đồng lòng, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. 

Tổng thống Putin nhậm chức và lời hứa 6 năm tạo ra đột phá kinh tế
Ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga nhiệm kỳ 4 (kéo dài đến 7/5/2024)

“Vào lúc này đây, khi tiếp nhận vị trí Tổng thống Nga, tôi càng nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình đối với từng người dân, với tất cả dân tộc nhiều sắc tộc của chúng ta, với nước Nga, đất nước của những chiến công và những công trình vĩ đại, với lịch sử ngàn năm của Nhà nước Nga và với tiền nhân. Lòng dũng cảm của tiền nhân, sức làm việc không mệt mỏi của họ, tình đoàn kết không gì lay chuyển của họ, quê hương, đất nước thiêng liêng của họ là ví dụ vĩnh cửu cho sự cống hiến cho Tổ quốc”, ông Putin phát biểu tại Điện Kremlin.

Ông chủ Điện Kremlin cam kết "sẽ cố gắng hết sức để mang lại sự thịnh vượng" cho người dân trong lúc hứa hẹn về "những đột phá kinh tế và công nghệ" và việc khôi phục các giá trị gia đình. Theo tờ Moscow Times, phần lớn bài diễn văn của ông Putin tập trung vào việc Moscow cần phải theo kịp những thay đổi ngày một nhanh chóng mà thế giới đang chứng kiến. 

Ông cho rằng, sự thờ ơ, hời hợt, yếu đuối và lạc quan thái quá trước thời cuộc sẽ là điều mà lịch sử không tha thứ, nhất là lúc này đây, khi nước Nga đang trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, cần có sức mạnh tập thể và sự đồng lòng để vượt qua. Tổng thống Putin nói ông sẽ tập trung mọi nỗ lực để đảm bảo mọi gia đình người Nga có được cuộc sống thịnh vượng theo các cách khác nhau. Ông bày tỏ niềm tin vào thanh niên Nga, những người sẽ trở thành các nhà lãnh đạo tạo nên sự thay đổi cho đất nước.

Mặc dù nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin khởi đầu vào giai đoạn quan hệ với các nước phương Tây đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, tờ AP vẫn ca ngợi "hình ảnh của ông Putin rất phổ biến ở trong nước và được biết đến như biểu tượng của nước Nga trên toàn thế giới".

Tổng thống Putin nhậm chức và lời hứa 6 năm tạo ra đột phá kinh tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ nhậm chức hôm 7/5 

Nhà phân tích chính trị độc lập Dmitry Oreshkin đánh giá, đây sẽ là nhiệm kỳ khó khăn nhất của ông Putin với tư cách tổng thống vì các nhiệm kỳ trước đó, ông đã phát huy tốt khả năng của mình trong những hoàn cảnh thuận lợi.

Theo BBC, dưới sự lãnh đạo của ông Putin, người dân Nga đã được hưởng một cuộc sống ổn định nhiều năm qua. Lạm phát được kiểm soát, hệ thống phúc lợi được củng cố. Nền kinh tế Nga đang từ thứ 22 của thế giới đã vươn lên thứ 11, tốc độ GDP đạt 7% trong giai đoạn 2000-2008. Nhờ củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc, Nga đã vượt qua khó khăn sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh để vươn lên thành một siêu cường với nền công nghiệp phát triển và quân đội hùng mạnh.

Trong 18 năm cầm quyền của ông Putin, tài sản quốc dân của Nga tăng gấp 24 lần, lên tới 1.430 tỷ USD. Tỷ lệ nợ công giảm từ 92,1% năm 2000 xuống còn 17,4% năm 2017. Mục tiêu cho nhiệm kỳ mới của ông Putin là đưa nước Nga gia nhập nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng các sản phẩm sản xuất tại Nga.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của nước Nga trong thập kỷ qua vẫn giậm chân ở con số hơn 1% mỗi năm. Để có thể giải quyết những vấn đề trì trệ kinh tế, cùng áp lực trừng phạt từ bên ngoài, Tổng thống Putin có thể sẽ phải đưa trở lại cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, người được cho là nhân vật thương thuyết được với phương Tây.

"Vấn đề chính của Tổng thống Putin là kinh tế. Ông sẽ không thể có được những ủng hộ về chính sách đối ngoại nếu không giải quyết được vấn đề trong nước", nhà phân tích Oreshkin nhấn mạnh.

Trong khi nhà phân tích chính trị Alexander Chesnakov, cựu thành viên chính quyền Kremlin, tỏ ra lạc quan hơn.

"Tôi không nghĩ rằng sự xáo trộn trong vài tháng qua - vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ khiến cho nhiệm kỳ mới của ông Putin lao đao.

"Trước thời điểm này, ông Putin đã thấu hiểu được những việc cần phải làm. Những sự kiện đó có thể đã tác động đến sự ủng hộ của ông ấy, nhưng tỷ lệ người dân tin vào Putin vẫn rât cao", Chesnakov nêu quan điểm.

Ông Stefan Meister, chuyên gia của Hội đồng quan hệ đối ngoại (Đức), với đài DW rằng tình hình kinh tế ở Nga trong những năm tới sẽ khó khăn hơn, ảnh hưởng đến ngân sách dành cho lương hưu, phúc lợi và thậm chí là quân đội. Theo ông Meister, chính sách đối nội sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiệm kỳ thứ 4 của ông Putin.

Hữu Anh (TH)

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.16843 sec| 646.297 kb