Cụ thể, vào ngày 18/8/2020, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang (Bacgiang.gov.vn) đăng tải bài viết: “Tạm dừng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân từ tỉnh Hải Dương” của tác giả Diệu Hoa.
Nội dung bài viết thể hiện: “Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế, người chăm sóc người bệnh, Sở Y tế Bắc Giang vừa có công văn yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tạm dừng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân từ tỉnh Hải Dương, thực hiện nghiêm việc chuyển tuyến bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Theo đó, tạm dừng việc tiếp nhận, khám chữa bệnh, điều trị cho người đến từ tỉnh Hải Dương để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay; các cơ sở khám, chữa bệnh có biện pháp thông tin, tuyên truyền tới người dân được biết và thực hiện; công khai số điện thoại của cơ sở khám, chữa bệnh để người dân chủ động liên hệ khi cần cung cấp thêm thông tin; đồng thời tư vấn, giải thích cho bệnh nhân khi triển khai thực hiện.
Trong trường hợp chuyển tuyến người bệnh nghi ngờ hoặc nhiễm Covid-19, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bố trí phương tiện, đầy đủ thiết bị y tế; nhân viên y tế hộ tống và lái xe được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, bảo đảm an toàn, đáp ứng theo các quy định tại Quyết định 1616/QĐ-BYT ngày 08/4/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật, phân loại và lựa chọn bộ trang phục phòng, chống dịch Covid-19". Trong bài viết có đính kèm file văn bản không số, không ngày tháng, do ông Tô Quốc Hiệu – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang ký.
Trong thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến một cách phức tạp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp kịp thời để ứng phó, phòng chống một cách hiệu quả. Nhiều “chiến sỹ” tuyến đầu là các y, bác sỹ xung phong vào vùng dịch để tham gia cứu chữa bệnh nhân. Người dân cả nước thể hiện sự đồng lòng, tương thân tương ái, động viên bằng tinh thần và vật chất giúp đỡ những địa phương có diễn biến dịch phức tạp. Các cơ sở khám chữa bệnh là nơi chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân, người dân có quyền lựa chọn nơi sử dụng dịch vụ y tế cho riêng mình.
Tuy nhiên, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang lại có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tạm dừng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đến từ tỉnh Hải Dương. Như vậy, các bệnh nhân từ tỉnh Hải Dương đến sẽ không được đón tiếp, cũng như mất đi quyền lợi lựa chọn nơi chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mình.
Sau khi thông tin được đăng tải, có ý kiến cho rằng văn bản của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đang vi phạm Luật Khám chữa bệnh, Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Đồng thời cho rằng làm như vậy là mang tính “kỳ thị” với người dân của tỉnh Hải Dương. Văn bản đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng vì ngoài bệnh Covid - 19 ra thì còn rất nhiều các bệnh khác cũng cần chữa trị, cấp cứu kịp thời để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Trao đổi với Diễn đàn pháp luật, đại diện Sở Y tế Bắc Giang cho biết: "Do vị trí tỉnh Bắc Giang tiếp giáp với một số địa phương của tỉnh Hải Dương nên một số cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh tại khu vực giáp ranh có nhiều người từ tỉnh Hải Dương sang để khám chữa bệnh. Với mong muốn kiểm soát dịch bệnh thật tốt nên các cơ sở này đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành văn bản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì người dân đến từ tỉnh Hải Dương vẫn được thăm khám, đón tiếp bình thường".
Theo Điều 9, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Tại điểm a Mục 5 Điều 9: Vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi từ chối tiếp nhận người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời biện pháp khắc phục được quy định là buộc tiếp nhận người mắc bệnh truyền nhiễm.
Tại Khoản 1, Điều 6 của Luật Khám chữa bệnh thì từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, là hành vi bị cấm.
Tại điểm e Khoản 5 Điều 28 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp bác sĩ không khẩn trương sơ cứu, cấp cứu người bệnh; Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Tại Điểm a Khoản 3 Điều 29 của Nghị định trên, quy định phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đối với trường hợp bệnh viện từ chối tiếp nhận người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc tại bệnh viện.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.