Dự án BOT đường thủy nội địa TP HCM khởi công tháng 4/2015. Với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng gồm 2 công trình trọng điểm: công trình nạo vét, mở rộng 71 km luồng sông Sài Gòn, xây mới cầu đường sắt Bình Lợi.
Cầu có chiều dài 1,3 km,độ cao thông thuyền 7m. Hiện nay, nhà thầu đã thi công hoàn thiện 10 trụ cầu Bình Lợi mới.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 7- Bộ GTVT cho biết: "Công tác giải phóng mặt bằng là khó khăn nhất vì dự án đi vào khu đô thị đông dân cư. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện nước đã được xây dựng từ lâu và chồng chéo. Bởi vậy, nhà đầu tư vừa thi công vừa rà soát để phối hợp địa phương tiến hành di dời.
Vấn đề khó khăn thứ 2 là công trình nằm ở cửa ngõ của thành phố nên việc đảm bảo an toàn giao thông của cả đường sắt và đường thủy đối với quá trình thi công là rất phức tạp."
Khi hoàn thành, cầu Bình Lợi cũ được tháo dỡ để tàu trọng tải lớn lưu thông.
Ông Khoát cho biết thêm: "Song song với việc xây mới cầu Bình Lợi sẽ tiến hành nạo vét chủ yếu là bạt mom, mở rộng tầm nhìn, mở rộng cua ở các đoạn cong sông Sài Gòn. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư có nhiệm vụ bảo hành, bảo trì, quản lý và khai thác công trình. Hình thức thu phí thì tất cả các loại tàu dưới 300 tấn thì miễn phí, trên 300 tấn thì thu phí."
Dự kiến cuối năm nay, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác.
Trước đó, ông Vũ Đức Cúc, đại diện chủ đầu tư cho biết, việc thu phí chỉ áp dụng với những phương tiện có tải trọng 300 tấn trở lên, nên không ảnh hưởng đến người dân sử dụng phương tiện nhỏ vận chuyển hàng hóa trên sông Sài Gòn mỗi khi qua cầu Bình Lợi.
Giá khoảng 70 đồng/tấn/km trong 20 năm 9 tháng, dự kiến thu được 1.100 tỷ đồng.
Mức phí này rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ bởi hiện nay, giá phí đường bộ tính bình quân khoảng 240 đồng/tấn/km.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị chủ đầu tư phải đưa ra dự thảo phương án tài chính và phương án thu phí mới để UBND TP phản biện trước khi chính thức đưa vào thực hiện.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết nếu thí điểm dự án trên thành công sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia việc hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy theo hình thức BOT cũng như các hình thức xã hội hóa khác. "Tuy nhiên, tất cả các bài toán đều đứng trên chi phí và lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp", ông Cường nói.
Tâm An (TH)