Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều có quy định cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ được đi ngược chiều trên cao tốc. Tuy nhiên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trường hợp xe ưu tiên được đi ngược chiều vào cao tốc khi đã đủ điều kiện phải đảm bảo an toàn như có sự phân luồng giao thông, đặt biển cảnh báo, có xe cảnh báo dẫn đường…, không vì cứu hộ được một người mà gây thiệt hại cho nhiều người khác.
Xe cứu hỏa phạm quy tắc 3 giây
Chiều 18/3, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa thuộc Cảnh sát PCCC Hà Nội với xe khách khiến chiến sĩ Chử Văn Khánh (25 tuổi, cán bộ đội Cảnh sát PCCC số 12) tử vong, nhiều người khác bị thương.
Vụ tai nạn tạo ra nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh câu chuyện về quy định làn xe ưu tiên và trách nhiệm của tài xế ôtô khách, xe cứu hỏa trong trường hợp này.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá: Để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên thì cần thiết phải đánh giá lỗi của các bên.
Thứ nhất, đối với lỗi xe cứu hỏa: Dù là xe ưu tiên số một khi đi làm nhiệm vụ thì cũng phải chấp hành luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường.
Theo diễn biến trong clip ghi lại vụ việc, xe cứu hỏa là xe chủ động đi từ đường nhỏ vào đường ngược chiều trên cao tốc không quan sát kỹ tình trạng các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường, cho xe chuyển hướng vào đường cao tốc với tốc độ cao, chuyển hướng vuông góc đường làm phương tiện ngược chiều khó phán đoán hướng đi.
Lẽ ra, xe cứu hỏa nên đi vào phần làn đường khẩn cấp dành cho xe cứu nạn, cứu hộ, xe đi làm nhiệm vụ... nhưng đã đi sang phần đường ngược chiều bên mà không chủ động giảm tốc độ, quan sát tình huống, chuyển hướng đột ngột khiến xe khách khó xử lý tình huống theo quy tắc 3 giây để tính khoảng cách an toàn trên cao tốc.
Thứ hai, về lỗi của xe khách. Nếu có căn cứ xác định, xe khách đi trên cao tốc không chủ động giảm tốc độ khi đến ngã ba và đi trên đường cao tốc trong tình trạng trời mưa, trơn trượt thì có dấu hiệu vi phạm điều 12 Luật giao thông đường bộ và Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT: "khi đến đường giao nhau không giảm tốc độ, hoặc dừng lại một cách an toàn", "không nhường đường cho xe ưu tiên".
Trong vụ việc này, nếu cứng nhắc áp dụng pháp luật thì xe cứu hỏa không sai vì luật cho phép loại xe này khi thi hành nhiệm vụ được đi tất cả các hướng.
Tuy nhiên, còn có quy định pháp luật nữa là căn cứ vào tình hình mà khi tham gia giao thông phải đảm bảo sự an toàn cho bản thân và cộng đồng. Vì vậy với ngã 3 để nhập làn với cao tốc, dòng xe lại đang di chuyển khá đông đúc, xe PCCC muốn đi ngược chiều thì xe ưu tiên đặc biệt này cũng phải quan sát kỹ thì mới nhập làn giao thông. Tại sao xe PCCC cứ cứng nhắc là đi vào làn phải, ngoài của chiều mình đi dù ngược chiều theo quy định pháp luật mà không đi vào làn khẩn cấp của chiều đi của đường cao tốc?
Mặt khác, cần thiết sửa đổi Điều 22, luật Giao thông đường bộ 2008 về quyền ưu tiên của một số xe, trong đó có quy định xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ, được đi ngược chiều.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều có quy định cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ được đi ngược chiều trên cao tốc. Tuy nhiên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trường hợp xe ưu tiên được đi ngược chiều vào cao tốc khi đã đủ điều kiện phải đảm bảo an toàn như có sự phân luồng giao thông, đặt biển cảnh báo, có xe cảnh báo dẫn đường…, không vì cứu hộ được một người mà gây thiệt hại cho nhiều người khác.
Cách nhập làn của xe cứu hỏa chẳng khác nào... tự sát?
Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên khoa Kỹ thuật hạ tầng (Đại học Việt - Nhật) khẳng định, đây là một tai nạn vô cùng đáng tiếc. Qua video trên mạng, ông Bình cho rằng nguyên nhân xảy ra tai nạn thuộc về phía xe cứu hỏa.
Ông Bình cho biết theo đánh giá của các cơ quan chức năng, xe cứu hỏa không đi sai quy định, bởi được phép đi ngược chiều. Nhưng lái xe cứu hỏa đã không hiểu thấu đáo và đánh giá được rủi ro khi lưu thông ngược chiều trên cao tốc.
“Khi lưu thông với tốc độ 90-100 km/h, một xe khách cần hàng trăm mét sau khi đạp phanh gấp mới có thể dừng được. Đấy là chưa nói từ khi nhận ra nguy hiểm cho đến khi đạp phanh phải mất một vài giây”, tiến sĩ Phan Lê Bình nói.
Vì thế, cho dù xe cứu hỏa hú còi và đèn ưu tiên, nhưng khi vào cao tốc phải có một khoảng cách đủ xa, khoảng 300-400m thì các phương tiện khác mới đủ thời gian xử lý. Đặc biệt, việc đi vào cao tốc từ nút ra có thể xem là rất nguy hiểm và chẳng khác nào hành vi tự sát.
Phân tích về phía xe khách, ông Bình cho rằng tài xế hoàn toàn không có đủ thời gian để nhận biết và không thể kịp có thao tác để tránh tai nạn. Nếu cố tình bẻ lái tránh thì thiệt hại của xe khách còn lớn hơn nhiều. Trong trường hợp trên, các cơ quan chức năng cần phải ra lệnh đóng cao tốc ở chiều ngược lại sau đó cử người đi bộ lên trước rồi mới tiến xe vào. Đến khi xe cứu hỏa tiếp cận được hiện trường vụ tai nạn thì mới mở cao tốc cho các phương tiện khác lưu thông.
Theo giảng viên trường Đại học Việt - Nhật, hiện tồn tại một vấn đề nguy hiểm trên cao tốc là nhiều tài xế chạy xe ở làn dừng xe khẩn cấp. Đây là điều đại kỵ trên cao tốc. Làn dừng xe khẩn cấp này chỉ được phép dừng khi xe bị tai nạn, hư hỏng và chỉ có xe cứu hỏa, xe ưu tiên mới được lưu thông.
Việt Hương