Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xã hội rộ lên trào lưu đăng tải và so sánh hình ảnh bản thân sau 10 năm với mục đích khoe sự thay đổi của mình.
Trên khắp các trang mạng xã hội Facebook, Instagram và Twitter người dùng đua nhau đăng tải những bức ảnh so sánh nhan sắc hiện tại và quá khứ (phổ biến là năm 2009) nhằm hưởng ứng phong trào “thử thách 10 năm” với các dòng hashtag #10yearschallenge, #tenyearschallenge.
Đây một thử thách vui vẻ và vô cùng đơn giản, dễ thực hiện, kết quả là trào lưu này không chỉ khuấy động cộng đồng mạng thế giới mà còn "làm mưa làm gió" tại Việt Nam. Không chỉ người dùng thông thường mà các ngôi sao, cá nhân nổi tiếng cũng tham gia đăng tải, khoe quá trình "lột xác" của mình.
Trước trào lưu này nhiều người đặt ra câu hỏi đây có phải là một chiêu trò để thu thập thông tin nhằm thu thập thông tin nhằm phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện không mặt?
Theo bài viết tờ Wired của cây bút phân tích công nghệ Kate O'Neill, trào lưu này có thể là một cơ hội béo bở cho các nhà mạng thu thập thông tin người sử dụng để phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Điều này nghe không quá bất khả thi khi thời gian gần đây, Facebook liên tiếp vướng vào các nghi án nghe lén và bí mật thu thập thông tin người dùng. Việc xác định cấu trúc khuôn mặt để tinh chỉnh tính năng nhận diện là điều có thể xảy ra.
Theo Kate, những hình ảnh so sánh cá nhân sẽ cung cấp cho các nhà mạng nhiều dữ liệu để tinh lọc, cập nhật cho hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) khả năng phân tích sự thay đổi về cấu trúc khuôn mặt qua thời gian qua đó lập hồ sơ lưu trữ.
Ý kiến của cô ngay khi đưa ra đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, các trang mạng đã có đủ thông tin người dùng, hầu như các bức ảnh người dùng sử dụng đều là ảnh có sẵn, đã từng đăng tải trên các trang mạng này trước đó, việc đăng tải lần 2, lần 3 sẽ không có mấy nghĩa lý.
Phản bác lại ý kiến trên, Kate giải thích: “Tưởng tượng rằng bạn muốn đào tạo một thuật toán nhận dạng khuôn mặt về các đặc điểm liên quan đến tuổi. Lý tưởng bạn muốn có một bộ dữ liệu rộng và chi tiết với nhiều hình ảnh của mọi người. Sẽ hữu ích nếu bạn có được một kho ảnh chụp với khoảng thời gian cụ thể - 10 năm”
Kate khẳng định, tận dụng cơ chế trào lưu, hay thách thức, các nhà mạng có thể gom được một số lượng lớn dữ liệu tương đồng trong một khoảng thời gian cụ thể thay vì phải thu nhặt, phân loại và so sánh từng bức ảnh đăng tải trên trang cá nhân của một người. Điều này rõ ràng tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Tham gia trào lưu “Thử thách 10 năm”, người dùng sẽ đăng tải ảnh của bản thân với khuôn mặt nổi bật và dễ nhận diện với các mốc thời gian cụ thể, cùng với đó quy chế hashtag (#) sẽ giúp việc tìm kiếm và tổng hợp vô cùng dễ dàng.
Dẫu vậy, Kate cũng chỉ ra rằng việc thu thập nhận diện khuôn mặt không phải là một điều quá đáng lo ngại, có thể các nhà mạng sẽ áp dụng tính năng này nhằm phát triển sản phẩm của mình, tăng tính tiện lợi và phục vụ sử dụng.
Tuy nhiên cô vẫn muốn nêu rõ các nguy cơ có thể xảy ra để mọi người cân nhắc trước khi tham gia vào trào lưu này hay bất kỳ trào lưu nào khác trong tương lai.
H.A (TH)