Theo Sức khoẻ & Đời sống, ngày 1/12, bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm liều cơ bản và tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa COVID-19.
Trong đó, bộ Y tế nhấn mạnh việc tiêm đủ liều cơ bản của vaccine ngừa COVID-19 là rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Theo công văn, đến nay, bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi, trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và gần 68% người tiêm đủ 2 liều. Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 80-90% với nhóm người trên 18 tuổi.
Công văn nhấn mạnh để tăng cường khả năng miễn dịch, phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước, bộ Y tế đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19 cho các đối tượng trên 18 tuổi, trong đó, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho nhóm người trên 50 tuổi.
VnExpress cho biết một lãnh đạo bộ Y tế đã giải thích liều cơ bản là liều vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Ví dụ, Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm..., mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại. Vaccine của Johnson & Johnson, Sputnik Light là liệu trình một liều (tiêm một mũi duy nhất), song Việt Nam chưa có loại này. Vaccine Abdala của Cuba liệu trình 3 liều tiêm (3 mũi), khoảng cách giữa các liều là 14 ngày.
Trong khi đó, liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Theo đó, bộ Y tế cũng đã có quy định về việc tiêm liều bổ sung và tiêm liều nhắc lại. Cụ thể, đối tượng tiêm liều bổ sung là những người trên 18 tuổi, ưu tiên tiêm liều bổ sung trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... Có thể tiêm cùng loại vaccine với liều cơ bản hoặc tiêm vaccine mRNA.
Về liều vaccine nhắc lại, bộ Y tế cho biết đối tượng tiêm liều vaccine này là những người trên 18 tuổi, đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Được biết, vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là loại vaccine đã được bộ Y tế phê duyệt. Trong đó, bộ Y tế cho phép tiêm trộn vaccine công nghệ mRNA khi tiêm liều nhắc lại. Riêng trường hợp tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm liều nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA hay vaccine công nghệ vector virus (vaccine AstraZeneca). Liều lượng vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại sẽ được quy định theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được bộ Y tế cho phép.