CNN cho biết đã một tuần trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới bất ngờ khi chấp thuận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Triều Tiên duy trì thái độ im lặng đối với vấn đề này. Mặc dù hứa hẹn về một cuộc gặp dự kiến vào tháng 5 tới, cho tới thời điểm này, phía Bình Nhưỡng không đưa ra bất kỳ lời xác nhận nào dù là đồng ý hay từ chối.
Mãi cho tới ngày 15/3, động thái ngoại giao đáng chú ý đầu tiên của Bình Nhưỡng mới xuất hiện, khi giới chức Thụy Điển thông báo Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đang trên đường tới nước này, thực hiện chuyến thăm kéo dài hai ngày. Tại đây, ông Ri sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà để thảo luận về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
"Tôi có cảm giác họ đang tiếp cận vấn đề một cách dè dặt và cần nhiều thời gian hơn để tổ chức lại lập trường", đại diện Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định tại cuộc họp báo ngày 11/3.
Vừa thú vị vừa khó hiểu
Theo nhà nghiên cứu Zhiqun Zhu, Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại đại học Bucknell, Mỹ, động thái của Triều Tiên trong những ngày qua vừa thú vị vừa khó hiểu.
Lý do đằng sau sự im lặng của Bình Nhưỡng được cho là có nhiều khả năng. Trước hết, rất có thể nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cảnh giác trước quyết định dứt khoát và gây ngạc nhiên của ông Trump.
Bởi với cuộc khẩu chiến nảy lửa mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều từng có với nhau trong năm 2017, thật khó để ông Kim (hoặc bất kỳ ai) tin rằng ông Trump sẵn sàng đồng ý dễ dàng như vậy mà không cần điều kiện tiên quyết.
Giáo sư Zhiqun Zhu cho rằng, không chỉ các nước trong khu vực ngạc nhiên, ngay chính Triều Tiên dường như cũng chưa chuẩn bị cho một sự “bình thường hóa” với Mỹ.
Lý do thứ hai, lời mời của ông Kim tới người đồng nhiệm Trump được chuyển tiếp thông qua các quan chức Hàn Quốc và có thể các nhân vật này đã không truyền tải chính xác (hoặc hoàn toàn) thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trước khi phái đoàn Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng, họ thậm chí không chắc về cuộc gặp với ông Kim Jong-un. Nhưng sau đó đại diện của Seoul đã có bữa tối ấm cúng với lãnh đạo nước chủ nhà.
Dẫu vậy, liệu mọi thứ ông Kim nói trong bữa ăn tối về một cuộc đàm phán với Mỹ có phản ánh suy nghĩ thực sự của ông hay không lại là một câu hỏi khác.
Thứ ba, Triều Tiên có lẽ vẫn đang theo dõi các phản ứng của quốc tế, chẳng hạn như chờ đợi các cường quốc khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ phản ứng như thế nào về cuộc gặp Mỹ-Triều.
Trong khi chờ đợi phản ứng chính thức của Triều Tiên, công chúng cũng cần phải nhớ rằng hiện vẫn chưa chắc chắn tuyệt đối liệu cuộc gặp sẽ diễn ra vào tháng 5 hay không.
Hai bên sẽ phải đối mặt với các vấn đề như tìm một địa điểm mà cả hai cảm thấy phù hợp. Ngoài ra, những diễn biến bất ngờ từ nay đến tháng 5 cũng có thể làm trật bánh các cuộc đàm phán dự kiến.
Lý do cuối cùng, sự im lặng của ông Kim có thể liên quan đến vấn đề uy tín của Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in nhận xét rằng, "những thay đổi quan trọng" đang diễn ra ở Đông Á.
"Nếu chúng ta thành công, sẽ có những thay đổi lớn trong lịch sử thế giới và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò dẫn dắt", ông Moon nói.
Lạ lùng song không bất thường
Việc Triều Tiên im lặng dường như là điều lạ lùng song không phải là bất thường xét tới cách hành xử trong quá khứ của quốc gia được coi là “ẩn dật” này.
Hồi năm 2000, Triều Tiên quyết định mời Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó tới Bình Nhưỡng. Lời mời chính thức này được đưa ra vài tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Madeleine Albright gặp người đồng cấp Triều Tiên bên lề hội nghị cấp cao các quốc gia châu Á vào tháng 7/2000.
Hai bên đã thảo luận về khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il sẽ cử một phái viên tới thủ đô Washington (Mỹ) để chuyển lời mời chính thức tới Tổng thống Clinton.
Trong cuốn sách ''Bà Ngoại trưởng,'' bà Albright viết: “Một lần nữa, Triều Tiên cố tình phản ứng chậm. Không quen với việc tham vấn với một nền dân chủ, họ có thói quen không làm gì trong nhiều tháng, rồi đột nhiên ra quyết định và chờ một lời phúc đáp tức khắc."
Tú An (TH)