Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Đông Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân James Martin, cho biết: "Ít nhất đây là một động thái đáng hoan nghênh. Trong vòng 2 tuần qua, 5 hoặc 6 tòa nhà (ở Punggye-ri) đã được phá dỡ. Rõ ràng có việc gì đó đang diễn ra ở đây”.
Ông Lewis nhận định đây là diễn biến đáng hoan nghênh, rằng Triều Tiên đang dần thực hiện các bước đóng cửa bãi thử này như đã hứa tháng trước. Tuy nhiên ông cũng cho rằng không thể dựa vào động thái này để đánh giá ý định thật sự của Triều Tiên, vì việc phá bỏ các tòa nhà và phong tỏa các cổng vào hoàn toàn có thể đảo ngược được về sau.
“Đóng cửa điểm thử là điều đơn giản. Đó chỉ là các đường hầm và họ có thể phong tỏa cổng vào, nhưng họ cũng có thể mở lại” – theo ông Lewis, rằng các đường hầm sẽ luôn ở đó trừ khi Triều Tiên phá hủy bãi thử này.
Triều Tiên tháng trước tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi đã thực hiện tất cả 6 vụ thử hạt nhân trước nay của nước này. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói sẽ mời chuyên gia an ninh hạt nhân và nhà báo phương Tây đến quan sát quá trình đóng cửa.
Thông qua ảnh vệ tinh, các nhà khoa học cho rằng, hầm thử hạt nhân ở Punggye-ri chưa sập hoàn toàn, song núi Mantap đã bị xê dịch khoảng 3,5m và lún khoảng 0,5m sau vụ thử hạt nhân lần 6. Giới chuyên gia ước tính, vụ nổ hạt nhân hồi tháng 9 năm ngoái của Triều Tiên có sức công phá khoảng 304 kiloton, gấp 10 lần quả bom hạt nhân thả xuống Hiroshima năm 1945.
Văn Đức (TH)