Mã Đức Hoa sinh năm 1945 tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Từ nhỏ, ông đã rất đam mê võ thuật và Kinh kịch. Khi lên 14 tuổi, ông bắt đầu học Kinh Kịch tại trường lớp chính quy.
Theo đuổi bộ môn Kinh Kịch, Mã Đức Hoa chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình trở thành ngôi sao nổi tiếng. Thế nhưng, cuộc đời ông có bước ngoặt lớn khi được đạo diễn Dương Khiết chọn thể hiện vai Trư Bát Giới trong Tây du ký 1986. Dù trong các năm qua, có rất nhiều diễn viên thể hiện vai Trư Bát Giới nhưng chưa ai có thể vượt qua ông.
Ngộ ra triết lý sau khi đóng Tây Du Ký
Mã Đức Hoa là diễn viên được chọn vào vai Trư Bát Giới trong Tây Du Ký. Nhân vật Trư Bát Giới ham ăn, lười biếng, háo sắc, nhát gan nhưng cũng rất hài hước, đáng yêu của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, và trở thành một tượng đài mà các thế hệ diễn viên sau này khó có thể vượt qua.
Trong một chương trình truyền hình, Mã Đức Hoa lần đầu tiết lộ về điều mà ông đã cảm ngộ được sau khi đóng Tây Du Ký.
Ông chia sẻ: “Trong bốn thầy trò, tôi đóng Trư Bát Giới. Sau khi trải qua 81 kiếp nạn và lấy được chân kinh, sư phụ tôi thành Phật, Hầu ca thành Phật, Sa sư đệ mặc dù không thành Phật, nhưng cũng thành La Hán, vậy tại sao chỉ có Lão Trư tôi vẫn là hành giả.
Từ điều này tôi ngộ ra rằng Đường Tăng đại diện cho tinh thần, Ngộ Không đại diện cho sức mạnh, Sa Tăng đại diện cho sự cần mẫn, nhẫn nại, chỉ có Trư Bát Giới là đại diện cho dục vọng. Tức là con người không bao giờ có thể loại bỏ được dục vọng của mình.
Vậy nên sau khi đóng Trư Bát Giới, tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng bất kể trong công việc hay trong cuộc sống đều nhất định phải kìm xuống dục vọng của mình, như vậy cuộc sống mới tốt đẹp được”.
Triết lý sâu sắc mà Mã Đức Hoa chia sẻ đã nhận được sự đồng tình của khán giả.
Nỗi tiếc nuối lớn nhất đời: Không thể gặp lại “sư đệ” Diêm Hoài Lễ
Mã Đức Hoa từng chia sẻ với báo giới rằng, trong đời này, ông có một nỗi tiếc nuối vô cùng lớn. Đó là không có cách nào để gặp lại “Sa sư đệ” Diêm Hoài Lễ.
Trong thời gian quay Tây du ký 1986, Mã Đức Hoa thân thiết nhất với Diêm Hoài Lễ. Hai người coi nhau như anh em ruột thịt. Thế nhưng, Mã Đức Hoa đã không kịp gặp “Sa sư đệ” lần cuối.
“Sáng hôm đó, Chương Kim Lai (Lục Tiểu Linh Đồng) gọi điện bảo tôi tới ngay bệnh viện. Nhà tôi cách bệnh viện rất xa, lại gặp tắc đường nữa nên tôi không tới kịp. Khi đến nơi, Diêm Hoài Lễ đã mất rồi”, Mã Đức Hoa nghẹn ngào cho biết.
Không kịp gặp Diêm Hoài Lễ trước khi anh ra đi, Mã Đức Hoa bật khóc nức nở. Anh quỳ xuống, ghé sát tai Diêm Hoài Lễ và nói “Nhị sư huynh tới gặp anh đây”.
Con trai thành đạt
Mã Đức Hoa kết hôn với Hầu Ngọc Mẫn vào năm 1972. Bà xã kém ông ba tuổi, làm công nhân. Một năm sau khi kết hôn, Hầu Ngọc Mẫn hạ sinh con trai, đặt tên là Mã Dương.
Mã Đức Hoa và vợ luôn cố gắng để chăm lo tốt nhất cho con trai. Ông từng chia sẻ: “Dù không có nhiều tiền, chúng tôi vẫn cố gắng để cho con ăn học tử tế”. Không phụ kỳ vọng của bố mẹ, sau khi du học ở Singapore trở về, Mã Dương đã mở công ty riêng, trở thành ông chủ. Công việc kinh doanh của cậu khá phát đạt. Dù không sánh được bằng thế lực bà xã Trần Lệ Hoa của Trì Trọng Thụy, song con trai Mã Đức Hoa cũng thuộc hàng có tiếng nói ở Bắc Kinh.
Ở tuổi 73, mặc dù không giàu có nhưng Mã Đức Hoa vẫn sống dư dả nhờ con trai là doanh nhân nổi tiếng. Ông luôn tự hào mỗi khi nhắc đến vợ hiền, con ngoan.
Quốc Tiệp