Trừ điểm vào giấy phép lái xe?
Cụ thể, đối với việc áp dụng trừ điểm vào bằng lái, cùng với sửa luật Giao thông đường bộ và các văn bản liên quan, cần phải đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe trên cả nước, khi xử lý cảnh sát chỉ cần tra tên rồi trừ điểm tài xế vi phạm trên hệ thống này.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó cục CSGT cho rằng: “Hiện nay, đã có các khung xử phạt hành chính với lái xe vi phạm giao thông. Tuy nhiên, đối với trường hợp vi phạm lỗi nhẹ, tài xế chỉ bị phạt tiền và được nhận lại bằng lái, đây là điều đi ngược xu hướng của thế giới”.
Đại tá Bình cho biết, ở một số nước, người tham gia giao thông nếu mắc lỗi về nồng độ cồn sẽ bị trừ 6/12 điểm và nhận cảnh cáo. Trong các trường hợp, tái xế bị trừ hết điểm trên bằng lái thì sẽ phải thi lại bằng lái. Nếu áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe mỗi khi tài xế vi phạm thì sẽ hạn chế được tiêu cực, quyết định xử phạt có tính răn đe, giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn.
Đề cập tới việc triển khai áp dụng hình thức "trừ điểm" trên giấy phép lái xe như thế nào cho hiệu quả? Đại tá Bình cho biết, cục CSGT đề xuất sửa luật Giao thông theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến. Với quan điểm việc xử phạt phải được thực hiện một cách nhanh nhất, cục CSGT sẽ phối hợp với kho bạc Nhà nước và các đơn vị có thanh toán điện tử nhằm xây dựng đa dạng hình thức xử phạt để giảm các thủ tục hành chính. Cùng với đó là xác định trách nhiệm người phải thực hiện xử phạt và nộp phạt.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, anh Vũ Đình Phương (quê Nam Định là lái xe taxi) bày tỏ: “Tôi ủng hộ đề xuất này, nhưng tôi muốn biết về tính khả thi khi áp dụng việc trừ điểm trên bằng lái xe, vì tài xế chỉ có mỗi cái giấy phép lái xe là cần câu cơm.”.
Anh Phương cho rằng: “Mặc dù, mới chỉ là đề xuất nhưng cục CSGT cũng cần phải lý giải được tính khả thi có thể giảm được số lượng người vi phạm không, cần phải minh bạch thông tin về các chế tài xử phạt. Ai là người giám sát CSGT khi thực hiện việc trừ điểm vì chúng tôi không thể biết được trừ ra sao, bởi đây là việc nội bộ của CSGT. Nếu đã đề xuất trừ điểm vào giấy phép lái xe thì cũng nên đề xuất giải pháp để giám sát quá trình thực hiện”.
Tạo sở hở, tiêu cực?
Lo lắng về việc đề xuất này không hiệu quả, anh Phương cho biết, trước đây, luật giao thông đường bộ đã có nhiều giải pháp tương tự để xử lý người vi phạm giao thông như: Bấm lỗ trên giấy phép lái xe khi vi phạm luật giao thông nhưng cũng chỉ áp dụng được 1 thời gian rồi lại bỏ đi. Ngoài ra, việc trừ điểm trên giấy phép lái xe có thể phát sinh các tiêu cực hay không?.
Trong khi đó, anh Hồng Sơn (lái xe khách tuyến Nam Định - Hà Nội) cho rằng: "Luật đề ra là nhằm mục đích nâng cao ý thức, chấp hành giao thông của mọi người, do đó tôi ủng hộ đề xuất này. Thế nhưng, cơ quan chức năng cũng cần phải nếu rõ phương án thực hiện ra sao? Tài xế sẽ bị trừ điểm theo hình thức nào? Ngoài ra, cũng nên đề xuất giải pháp giám sát lực lượng thi hành pháp luật để tránh tiêu cực mỗi khi xử phạt tài xế vi phạm".
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (cục CSGT - bộ Công an) nhấn mạnh: “Hiện nay, tai nạn giao thông trên các tuyến đường xảy ra chưa có dấu hiệu giảm, việc này là do có một số chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Trong Nghị định 46 có một số chế tài đối với hành vi vi phạm giao thông nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông chưa đủ sức răn đe”.
Ông Sơn cho hay: “Cần phải có những hình thức răn đe, giáo dục tài xế để phòng ngừa những vụ tai nạn xảy ra. Điều quan trọng nhất, giấy phép lái xe là “cần câu cơm” kiếm sống nuôi cả gia đình tài xế nên cần phải tránh được tiêu cực trong việc này. Cơ quan thi hành pháp luật phải nghiên cứu đề xuất được các giải pháp phòng ngừa tiêu cực”.
“Tiêu cực ở đây là gì? ví dụ: Khi cắt giấy phép lái xe người ta có thể mất cần câu cơm. Vì vậy dễ dẫn tới tiêu cực, có những thương lượng giữa người thực thi pháp luật với người vi phạm giao thông. Nếu đề xuất này mà không có những biện pháp phòng ngừa tiêu cực thì sẽ tạo ra sơ hở, miếng đất để cho lực lượng thực thi pháp luật tiêu cực”, ông Sơn thẳng thắn.
Cũng nói về tiêu cực trong việc cấp giấy phép lái xe, ông Sơn phân tích: “Việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cũng dễ xảy ra nhiều tiêu cực, do vậy bên CSGT cần phải có liên thông cơ sở dữ liệu để biết được ai là người bị tước giấy phép lái xe để tránh tình trạng cấp bằng chồng lấn. Tức là người bị giữ giấy phép lái xe đi xin cấp lại. Đồng thời, phải siết chặt công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Ngoài ra, phải tuyên truyền, giáo dục lái xe, các công ty vận tải tuyển dụng sàng lọc, người không đủ sức khoẻ, người nghiện vào đội ngũ lái xe...”.
Theo Nguoiduatin.