Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Trước cuộc gặp với Mỹ, Triều Tiên thấy gì qua cuộc không kích Syria?

Trước cuộc gặp với Mỹ, Triều Tiên thấy gì qua cuộc không kích Syria?
Chuyên gia Marc A. Thiessen cho rằng cuộc không kích của Mỹ và hai đồng minh nhằm vào Syria có thể khiến Triều Tiên nhìn nhận Mỹ theo một hướng khác, thay vì e ngại trước sức mạnh của Washington như nhiều người nhận định.

Sau lệnh tấn công của Tổng thống Donald Trump, liên quân Mỹ, Anh, Pháp sáng 14/4 đã tiến hành cuộc không kích bằng hơn 100 tên lửa hành trình và không đối đất nhằm vào các mục tiêu tại Syria.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc tấn công này chính là điều mà chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang lo sợ trong bối cảnh Washington liên tục gây sức ép với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Hành động của liên minh các nước phương Tây nhằm vào Syria có thể gây sức ép lên Triều Tiên trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Trước cuộc gặp với Mỹ, Triều Tiên thấy gì qua cuộc không kích Syria?
Tên lửa vụt sáng trên bầu trời thủ đô Damascus, Syria trong cuộc không kích hôm 14/4

Theo giới phân tích, Triều Tiên chắc chắn đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trong cuộc khủng hoảng tại Syria. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ lo ngại rằng Mỹ có thể tấn công Triều Tiên như cách nước này từng làm với Syria, nếu việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới cũng như các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa không đi đúng hướng.

“Mỹ từng tuyên bố rõ rằng nước này sẽ tiếp tục để ngỏ mọi phương án ngay cả khi ông Kim và ông Trump đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa. Đây chắc chắn là một nỗi lo ngại đối với Triều Tiên”, chuyên gia Cho Sung-ryul nói với Korea Times.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "có thể coi cuộc tấn công vào Syria là cái cớ để sản xuất, lưu trữ hạt nhân như một biện pháp ngăn chặn", Catherine Dill, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Middlebury về Nghiên cứu Quốc tế ở Monterey, California, Mỹ, đánh giá.

Theo bà Jenny Town, phó giám đốc Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường Johns Hopkins về Nghiên cứu Quốc tế, dù căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây có chiều hướng lắng dịu sau khi ông Kim Jong-un được cho là đã thể hiện thiện chí đàm phán, nỗi lo âu về một tính toán sai lầm có khả năng dẫn tới bùng phát xung đột vẫn hiện hữu. Cuộc không kích Syria của liên quân Mỹ đã khiến nỗi lo ấy càng dâng cao, dẫn tới các quốc gia liên quan đến cuộc khủng hoảng như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ trở nên sẵn lòng nhượng bộ với Triều Tiên hơn nhằm giữ động lực đối thoại.

Chuyên gia Marc A. Thiessen cho rằng cuộc không kích của Mỹ và hai đồng minh nhằm vào Syria có thể khiến Triều Tiên nhìn nhận Mỹ theo một hướng khác, thay vì e ngại trước sức mạnh của Washington như nhiều người nhận định.

Nhìn vào những gì diễn ra tại Syria, Triều Tiên có thể thấy rằng chính quyền Trump đã hành động yếu ớt và Mỹ thực chất cũng là quốc gia dễ bị hăm dọa và không dám đương đầu với rủi ro. Bằng chứng là việc liên quân Mỹ không nhắm mục tiêu tới các khu vực gần các căn cứ của Nga tại Syria để tránh xảy ra đối đầu trực diện với Moscow. Nga cũng không cần triển khai bất kỳ hệ thống phòng không nào để đối phó với Mỹ trong cuộc không kích lần này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể hiểu rằng, nếu Tổng thống Trump không dám tấn công các căn cứ không quân của Syria vì sợ vấp phải phản ứng của Nga, vậy ông chủ Nhà Trắng chắc chắn cũng sẽ không liều lĩnh tấn công các cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, bởi điều đó có thể dẫn tới đòn đáp trả mạnh mẽ bằng pháo binh từ Bình Nhưỡng nhằm vào quốc gia láng giềng Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Washington.

Tú An (TH)

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
1.53801 sec| 636.063 kb