Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa tuyên bố nước này sẽ không tiếp tục thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà sẽ tập trung vào phát triển kinh tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng hoan nghênh quyết định, gọi đây là "tin tốt cho cả Triều Tiên lẫn thế giới" và là một "bước tiến lớn".
Tuy nhiên, phát ngôn bất ngờ từ lãnh đạo Triều Tiên vẫn làm dấy lên những hoài nghi về việc liệu Bình Nhưỡng có thật sự thiện chí hay đây đơn thuần chỉ là quân bài mặc cả trước các cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng với Hàn Quốc và Mỹ chuẩn bị diễn ra.
Lệnh cấm vận kinh tế ép Triều Tiên vào bàn đàm phán?
Kể từ tháng 9/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cấm mọi mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên, bao gồm than đá, quặng sắt, hải sản và hàng dệt may. Nếu được thực thi đầy đủ, những biện pháp này có thể loại bỏ 90% tổng xuất khẩu bằng đồng USD của Triều Tiên.
Biện pháp đặt biệt nặng nề được đưa ra tháng 12/2017, hạn chế mức nhập khẩu dầu mỏ tinh chế của Triều Tiên chỉ còn nửa triệu thùng mỗi năm, giảm 90% so với năm trước.
Tổng cộng 1,7 triệu thùng dầu mỏ tinh chế thậm chí chưa bằng một nửa số lượng cần thiết để vận hành 280.000 ôtô ở Triều Tiên, chưa kể phục vụ sưởi ấm và đáp ứng nhiều nhu cầu khác. Theo các chuyên gia, các lệnh trừng phạt và việc Trung Quốc sẵn sàng thi hành nhiều trong số đó đã dội gáo nước lạnh vào một trong số ít những điểm sáng trong nền kinh tế Triều Tiên: thương mại với Trung Quốc, thị trường lớn về quặng và các tài nguyên thiên nhiên khác của Triều Tiên.
Xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc, chiếm hơn 90% ngoại thương của nước này, đã giảm 1/3 xuống còn 1,65 tỷ USD năm ngoái, với kim ngạch giảm từ 60-95% trong những tháng gần đây.
Không có ngoại tệ, Triều Tiên sẽ gặp khó khăn trong nhập khẩu hàng tiêu dùng cho người dân và nguyên liệu cho các nhà máy. Phân bón cũng không thể được nhập khẩu đúng vụ mùa, khiến bóng ma nạn đói lại lơ lửng.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia và khách thường xuyên đến Triều Tiên nói rằng nền kinh tế của đất nước này cũng mạnh hơn nhiều so với những gì người ngoài nhận ra. Chính quyền của ông Kim đã thực hiện các cải cách kinh tế định hướng thị trường, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trang trại và nhà máy và cho phép các hoạt động thị trường đang phát triển giúp cải thiện nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân.
Một thương nhân Trung Quốc kinh doanh với tầng lớp trung lưu Triều Tiên cho hay đã nhận thấy nỗi bất mãn ngày càng tăng với chính phủ vì sự thiếu hụt trong kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn nắm trọn kiểm soát. Khách thăm Triều Tiên và người đào thoát cho hay người Triều Tiên nhiều khả năng tự coi mình là công dân của một quốc gia nhỏ bị đàn áp bởi nước Mỹ thù địch, hơn là đổ lỗi cho chính quyền vì những khó khăn kinh tế.
Cành Oliu
Một số quan chức Mỹ cho rằng bằng cách "chìa ra cành ôliu", Triều Tiên đang gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Trump, buộc Mỹ phải chấp nhận một thỏa thuận nào đó nếu muốn Triều Tiên đồng ý từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo Washington Post, trong tuyên bố, lãnh đạo Triều Tiên không đề cập tới việc từ bỏ chương trình hạt nhân mà chỉ truyền tín hiệu rằng Bình Nhưỡng sẽ đóng băng nó bởi ông Kim Jong-un đã thỏa mãn với những gì Triều Tiên đạt được vào năm ngoái. Bình Nhưỡng khi đó tuyên bố phát triển thành công "đầu đạn siêu lớn" và tên lửa có khả năng nhắm tới toàn bộ nước Mỹ.
"Thông điệp của Triều Tiên không cho thấy họ đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân", Benjamin Silberstein, nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhận xét. "Trái lại, ngôn từ trong thông điệp rõ ràng nhằm thể hiện sức mạnh và sự tự tin".
Song Joel Wit , nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Chuyên sâu John Hopkins, bình luận về phát ngôn mới nhất của ông Kim. "Họ đã quyết định đến lúc để chuyển từ vũ khí sang tập trung phát triển kinh tế".
Song Joel Wit thêm rằng ông "không rõ chính xác Triều Tiên sẽ làm như thế nào nhưng chắc chắn họ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu không có những động thái tương xứng từ phía Mỹ và các nước khác".
Chuyên gia về hạt nhân Ankit Panda nhận định tuyên bố ngừng thử hạt nhân, tên lửa của ông Kim Jong-un không liên quan nhiều tới mục tiêu ngoại giao. Thực tế, nó chỉ nhằm khẳng định rằng Triều Tiên đã "thỏa mãn" với năng lực hạt nhân của mình, vậy nên "không cần tiếp tục tiến hành thêm các vụ thử nghiệm khác".
Theo ông Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, tuyên bố trên rõ ràng ngụ ý Triều Tiên vẫn sẽ duy trì vũ khí hạt nhân, họ chỉ cam kết không chuyển giao chúng.
"Liệu Triều Tiên chỉ đơn giản không tiếp tục phát triển thêm chương trình hạt nhân trong tương lai hay họ sẽ đóng cửa hoàn toàn tất cả các cơ sở hạt nhân? Và họ sẽ làm gì với những vũ khí hạt nhân đang nắm giữ", ông Nam Sung-wook, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, đặt câu hỏi.
Đàm phán Mỹ - Triều sẽ dễ dàng hơn?
Ngay sau phát biểu của ông Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh quyết định của ông Kim Jong-un về việc dừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa. Tổng thống Trump gọi đây là tiến bộ lớn và bày tỏ hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Kim Jong-un. Ông chủ Nhà Trắng cũng đánh giá tuyên bố này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "tin tức rất tốt lành đối với Triều Tiên cũng như đối với thế giới".
Theo kế hoạch, cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Các nhà phân tích nhận định, sự nhượng bộ mới nhất của Triều Tiên này, nếu được Triều Tiên cam kết thực hiện sẽ thay đổi chiến lược của Mỹ và khiến 2 nước dễ đi đến thỏa thuận hơn.
Dù vậy, các nhà phân tích vẫn thận trọng rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều nếu diễn ra thì hai bên sẽ có những bước đàm phán cam go về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cũng như về các gói viện trợ kinh tế mà Mỹ đưa ra.
Các bên đã không đạt được thỏa thuận trong quá khứ vì tranh cãi về cách thức thanh sát cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Hạ An (TH)