Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vụ người phụ nữ trở về sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc: Uống thứ thuốc gì khiến mất hết trí nhớ?

Vụ người phụ nữ trở về sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc: Uống thứ thuốc gì khiến mất hết trí nhớ?
Chiều 4/7, chị Nguyễn Kim Hon, người phụ nữ Bạc Liêu lưu lạc 22 năm ở Trung Quốc, đã về tới nhà mẹ mình trong nước mắt hạnh phúc trùng phùng. Và câu chuyện ly hương của chị dần được kể lại bằng tiếng Trung…

Liên quan đến vụ người phụ nữ trở về sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc, lãnh đạo UBND huyện Đông Hải. tỉnh Bạc Liêu cho biết, huyện đã chỉ đạo cho xã ra quyết định hủy bỏ giấy khai tử đối với người phụ nữ này.

Theo thông tin được biết, chị Nguyễn Kim Hon, 43 tuổi, ngụ ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải mất tích năm 1997 và đến năm 2016 gia đình mới làm giấy khai tử.

Vụ người phụ nữ trở về sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc: Uống thứ thuốc gì khiến mất hết trí nhớ?
Chị Nguyễn Kim Hon đã về đến nhà, gặp lại anh chị em và hàng xóm.

Việc làm giấy khai tử là theo yêu cầu của gia đình và được trưởng ấp thời điểm đó ký xác nhận. Như vậy, việc khai tử đối với trường hợp của chị Hon là hoàn toàn đúng với quy định.

Cũng theo UBND huyện Đông Hải, khi chị Hon về đoàn tụ với gia đình sau 22 năm thất lạc, huyện cũng đã chỉ đạo cho xã ra quyết định hủy bỏ giấy khai tử. Đồng thời, giúp đỡ cho chị Hon sớm hoàn thiện các thủ tục hợp pháp như: Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu,…giúp chị sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Trương Quốc Lâm, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đông Hải cho biết, thông qua người phiên dịch, chị Hon cũng đã kể lại một số thông tin liên quan đến chị trong hơn 20 năm qua ở xứ người.

Câu chuyện cuộc đời chị Hon được chị kể lại bằng tiếng Trung (chị vẫn chưa thể diễn đạt bằng tiếng Việt).

Thời còn ở Bạc Liêu, chị có chồng tại xóm Lung (thuộc phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai), sống với nhau hơn một tháng rồi chia tay. 

Sau đó, chị lên TP Cần Thơ làm thuê, có thời gian lang bạt tận Campuchia rồi quay về phụ bán nước mía ở xóm Lung. 

Thời gian này, có một người đàn ông (chị Hon nhớ lớn hơn mình 2-3 tuổi, nói giọng miền Bắc) tối nào cũng đến uống nước, quen biết như bạn bè. 

Thời gian sau, người này rủ chị về nhà ở quê, rồi sau đó cùng lên TP Bạc Liêu. Người này có đãi chị ăn cơm và cho uống nước trong một chai nhỏ, rồi chị ngủ luôn từ đây. 

Đến khi mở mắt ra đã thấy mình ở… Quảng Đông (Trung Quốc) trong một căn phòng nhỏ với một người phụ nữ khác cùng cảnh ngộ.

Chị kể đó là lúc mình bị nhức đầu dữ dội, lơ mơ không còn nhớ gì và không nói chuyện được. Hôm sau, chị bị tách ra, dẫn tới ở nơi khác. 

Tại đây, mỗi ngày có 2 - 3 phụ nữ được dẫn đến, nếu ai chạy trốn là sẽ "ăn đòn". Những ngày đen tối tiếp nối, chị trải qua 6 lần bị đem bán để làm "osin" và làm vợ ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.

Chỉ vào những vết thương còn hằn trên cơ thể, chị Hon kể lần gần nhất, chị bị bán về làm vợ một người đàn ông lớn hơn 3 tuổi ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Quảng Tây. 

Được một năm đầu yên ắng, sau đó là những trận đòn mà chị phải nhận với bất cứ lý do gì. 

"Ông ấy nhậu bằng rượu đế, nhậu hằng ngày và sau mỗi lần nhậu là tôi bị đánh, sau này thấy ông ấy nhậu là tôi không dám hé răng để tạm được yên thân. Có lần bị đánh vào hông đau dữ dội, tôi năn nỉ được chở vào bệnh viện nhưng không được chở đi. Tôi cứ chịu đựng qua cơn đau… 

Không cha không mẹ, không người thân quen, tôi dường như phải sống một mình, tự làm hết mọi việc. Đó là những cái tôi sợ nhất khi nhớ về những tháng ngày bị đày đọa vừa qua" - chị Hon nói.

Vụ người phụ nữ trở về sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc: Uống thứ thuốc gì khiến mất hết trí nhớ?

Không rõ uống phải loại thuốc gì, đầu óc chị trở nên "trống trơn", khoảng 3 năm không nói được (chị cho biết mình như bị câm). 

Sau đó, chị dần dần nói được tiếng Trung Quốc vì thường xuyên giao tiếp hằng ngày. Lúc đó, chị không có ý niệm nào về việc mình là người Việt Nam, còn là người Trung Quốc hay nước nào khác thì cũng không chắc.

Cho đến một ngày chị xem một chương trình trên tivi, tình cờ họ phát một tiết mục có tiếng Việt, vô tình nghe được những tiếng như "ăn cơm", "một, hai, ba bốn", "hai ngàn đồng"… 

"Lúc đó tôi quả quyết mình là người Việt Nam, cố tìm đường về Việt Nam. 

Tôi quyết định ra đi khi không có tiền trong túi, không biết phải bắt đầu đi từ đâu và đến đâu. Đi đến đâu làm thuê đến đó, rồi tìm các đồn cảnh sát bên đó giúp đỡ. 

Tôi không rành chữ Việt nên cũng gặp nhiều khó khăn. Qua 3 đồn cảnh sát, tôi tới gần biên giới Việt Nam. 

Rất may, lúc ở gần biên giới nhất, tôi nhờ được một người xe ôm chở thẳng tới khu vực biên giới tìm đường đến đồn cảnh sát Việt Nam. Đến đây, tôi gặp được những người ở Lạng Sơn cứu giúp" - chị Hon thuật lại hành trình tìm về quê hương của mình.

Cũng theo ông Lâm, hiện tại, chị Hon về và sống với mẹ ruột là cụ Nguyễn Thị Hến (83 tuổi). Tuy nhiên, cụ Hến thuộc diện hộ nghèo của xã, đang sống trong căn nhà đã xuống cấp.

Hơn nữa, cụ Hến tuổi đã cao, mất sức lao động. Trong khi đó, chị Hon đã hơn 40 tuổi, vừa lưu lạc trở về, chưa hòa nhập tốt, tiếng Việt chưa nói rành lại được, nên gia đình cụ Hến đang gặp nhiều khó khăn, rất cần được sự giúp đỡ.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37962 sec| 646.391 kb