Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM vừa quyết định ngừng học một năm (học kỳ cuối năm 2018 và học kỳ đầu năm 2019) với 117 sinh viên cao đẳng chính quy khóa 16C do xếp loại rèn luyện kém.
Theo TS Lê Trung Đạo - Hiệu phó trường đại học Tài chính - Marketing Tp.HCM, quyết định này đúng quy chế đánh giá kết quả rèn luyện tại các cơ sở giáo dục đại học của bộ Giáo dục và Đào tạo. Sinh viên bị xếp loại rèn luyện kém trong cả năm học phải tạm ngừng học một năm, nếu lặp lại lần thứ hai sẽ bị buộc thôi học.
Những sinh viên này được bảo lưu học phí và số học phần đã đăng ký tại học kỳ cuối năm nay và được tiếp tục trở lại đầu học kỳ cuối 2019.
Kết quả cuộc họp của hội đồng đánh giá kết quả rèn luyện học kỳ cuối năm 2018 cho thấy 328 trong tổng số gần 2.900 sinh viên cao đẳng khóa 16C bị xếp loại rèn luyện kém. Với hơn 3.200 sinh viên khóa 17C, không có sinh viên xếp loại kém nhưng có hơn 500 em bị xếp loại yếu.
Trước đó, hàng nghìn sinh viên thuộc các trường đại học tại Sài Gòn cũng đứng trước nguy cơ bị đuổi học hoặc xử lý học vụ.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã xóa tên hơn 450 sinh viên, đa số không còn học tập tại trường từ lâu. 571 sinh viên khác của trường cũng bị cảnh báo học vụ trong học kỳ II năm học 2017-2018.
169 sinh viên các lớp chính quy và văn bằng hai chính quy của đại học Luật TP.HCM cũng bị cảnh báo học vụ, đình chỉ một năm hoặc buộc thôi học. Trong đó, 71 sinh viên có thể bị buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém.
Hơn 2.500 sinh viên đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nợ học phí kéo dài, nguy cơ bị cấm thi cuối kỳ, gián tiếp dẫn đến nguy cơ bị cảnh cáo học vụ, buộc thôi học hoặc đình chỉ học tập.
Hơn 200 sinh viên của đại học Ngân hàng TP.HCM cũng bị cảnh báo học vụ với nhiều mức khác nhau sau học kỳ II năm học 2017-2018.
Hàng năm, số lượng sinh viên "đứt gánh giữa đường" ở các trường đại học là con số không nhỏ. Đây là vấn đề quá quen thuộc và đều nằm trong quy định của các trường đại học. Nhìn ở khía cạnh khác, việc mạnh tay xử lý sinh viên vi phạm được xem là động thái cần và nên đối với các trường đại học.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện tại, công tác quản lý sinh viên của các trường có phần nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, do yêu cầu về kỹ năng, tác phong từ phía doanh nghiệp, quy định về đào tạo của các trường có phần gắt gao hơn. Đó thực sự là tín hiệu tốt trong công tác đào tạo đại học.
"Hiển nhiên, phía sinh viên sẽ có nhiều phản ứng. Thứ nhất, các em nghĩ rằng lên đại học được tự do chứ không như phổ thông nên cho mình những quyền hơi quá. Thứ hai, chưa có sự đồng bộ giữa quy định và điều kiện cơ sở vật chất, những chương trình rèn luyện kỹ năng, các chương trình trải nghiệm doanh nghiệp nên sinh viên chưa rõ", ông Sơn lý giải.
PL (TH)