Khoảng 13h chiều 28/4, một vụ hỏa hoạn đã bùng phát tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu thuộc xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng.
Phát hiện vụ cháy, lực lượng bảo vệ rừng cùng nhân dân địa phương đã nhanh chóng đến hiện trường để dập lửa.
Lực lượng PCCC huyện Dầu Tiếng, Lực lượng PCCC Công ty cao-su Dầu Tiếng và Lực lượng PCCC tỉnh Bình Dương cũng đã điều động nhiều phương tiện và cán bộ chiến sĩ đến ngay hiện trường tham gia dập lửa.
May mắn, đến gần 16h chiều cùng ngày, tại khu vực rừng bị cháy xuất hiện một cơn mưa khá lớn, giúp lực lượng chức năng khống chế được ngọn lửa, không để cháy lan.
Theo thông tin từ Công ty TNHH Bích Hương (KP 4B, thị trấn Dầu Tiếng, Bình Dương) - công ty nhận khoán rừng phòng hộ vụ cháy kéo dài khoảng 6 tiếng đồng hồ và gây thiệt hại nghiêm trọng. Thống kê bước đầu cho thấy, khoảng 9,4 ha rừng phòng hộ thuộc quản lý của Công ty Bích Hương quanh khu vực hồ Than Thở, Núi Cậu bị thiêu rụi hoàn toàn sau vụ hoả hoạn.
ông Nguyễn Văn Ngọc (nhân viên Công ty Bích Hương) cho biết, ngay thời điểm vụ cháy xảy ra, tất cả nhân lực, vật lực của công ty đã được huy động để dập lửa nhưng cũng bất lực. Theo lời ông Ngọc, do lửa cháy quá rộng, gió lớn, cộng thêm địa hình nhiều cây bụi, dốc đá nên gây khó khăn trong quá trình chữa cháy. Phải mất nhiều giờ đồng hồ, kèm theo có mưa lớn mới khiến đám cháy được kiểm soát. “Vụ cháy lần này gây thiệt hại vô cùng nặng nề về vật chất và cả tinh thần đối với công ty chúng tôi. Ước tính thiệt hại khoảng gần chục tỷ đồng”, ông Ngọc chia sẻ.
Theo thông tin từ Công ty Bích Hương, sau khi vụ cháy kết thúc, Ban Quản lý rừng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương đã lập biên bản hiện trường và xác định mức độ thiệt hại vụ cháy gây ra nhưng trong biên bản không đưa ra kết luận hoặc bất cứ nghi vấn về nguyên nhân vụ cháy.
"Nhưng điểm quan trọng nhất là xác định nguyên nhân vụ cháy thì các cán bộ không đề cập tới mà kết luận là do công tác quản lý, bảo vệ của công ty chúng tôi lỏng lẻo, rồi thiếu cơ sở phòng chống cháy. Điều này là hoàn toàn quy chụp, thiếu căn cứ.", ông Ngọc nói.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Ngọc cung cấp các kế họach PCCC hàng năm, cũng như các biên bản kiểm tra về trang thiết bị PCCC, đưa PV tham quan kho chứa trang thiết bị PCCC của công ty.
Điều bất ngờ là ngay cửa rừng, khu vực thuộc quản lý của Công ty Bích Hương lại xuất hiện cổng du lịch. Đi sâu vào bên trong, có hẳn trạm gác bán vé và giữ xe phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, khi được hỏi, ông Ngọc cho biết điểm du lịch này do một đơn vị nơi khác tới tự dựng lên, thu tiền du khách mà không thông qua sự chấp thuận của chủ đất - Công ty Bích Hương.
"Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng can thiệp, nhưng không được hồi đáp. Chúng tôi nghi ngờ nguyên nhân vụ cháy xuất phát từ quá trình khách du lịch đốt lửa, nấu ăn trong rừng... ", ông nói.
Trong khuôn viên vụ cháy, rất nhiều bếp tự chế bằng đá đã qua sử dụng được cho là do du khách để lại. Ngoài ra, rác thải, tàn thuốc, giấy báo do du khách để lại vương vãi khắp nơi.
Qua vụ việc trên, thiết nghĩ dù có hay không việc đốt lửa của du khách là nguyên nhân dẫn đến vụ cháy thì các cấp ban ngành chức năng tỉnh Bình Dương nên xem xét lại hoạt động của công ty du lịch nói trên.
PV (TH)