Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ “Tết diệt sâu bọ” là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân… vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.
Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc làm phát sinh sự kỷ niệm vào ngày 5 tháng 5 gắn với câu chuyện vị quan đồng thời là nhà thơ nổi tiếng tên Khuất Nguyên ở Trung Quốc sống vào thời Chiến Quốc.
Vì can ngăn vua Sở Hoài Vương không được, lại bị vua đày đi Giang Nam, Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự tử chết vào ngày mùng 5 tháng 5.
Từ đó, một số vùng ở Trung Quốc có lệ tưởng niệm vị danh nhân này vào đúng ngày ông tự tử. Một số vùng đến nay còn giữ lệ thả bánh trên sông vào ngày mùng 5 tháng 5 với ý nghĩa tượng trưng "để cho cá ăn bánh khỏi ăn thịt ông Khuất Nguyên".
Tuy nhiên, từ rất lâu, người Việt Nam tiếp cận với Tết Đoan ngọ theo cách hiểu gần gũi với đời sống.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, Tết Đoan ngọ của người Việt gắn với quan niệm tẩy trùng tẩy uế cho cơ thể và ngăn ngừa ôn dịch trong cộng đồng.
Từ đó, trong ngày Đoan ngọ người ta cùng nhau ăn cơm rượu và bánh ú với quan niệm để thanh tẩy cơ thể. Các vùng có lệ treo trước cửa nhà thanh gai xương rồng với mục đích ngăn ngừa ôn dịch lan tràn nếu có.
Cùng với cách gọi ngày Đoan ngọ là Tết - một dịp kỷ niệm có tính vui vẻ, ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm gắn với nhiều hoạt động có cả màu sắc phương thuật như: khảo cây lấy quả, treo bùa trừ tà, ăn bánh ú bánh tro và cơm rượu để diệt sâu bọ trong người, treo lá cây trừ ôn dịch...
Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm:
- Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.
- Các loại hoa quả gồm các loại quả mùa hè như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối...Tuy nhiên mận và vải là hai loại quả không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.
- Xôi, chè, bánh ú tro (còn gọi là bánh tro hay bánh gio).
Theo nghệ nhân ẩm thực ưu tú quốc gia Phạm Thị Ánh Tuyết, trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Hà Nội xưa thường có thêm bánh trôi, bánh chay (hai món ăn có vị mát, tính hàn nhằm làm giảm bớt cái nóng của thời tiết mùa hè).
Hạnh Nguyễn (TH)