Mới đây, Công ty TNHH MTV TNI đã gửi đơn thư "cầu cứu" với nội dung hàng hoá mua bán hợp pháp sản phẩm cà phê G7 của Công ty này xuất khẩu ra nước ngoài bị giữ lại tại các cửa khẩu. Nguyên nhân chính từ cách thức mập mờ và kết quả giám định bất nhất của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) đối với việc giám định sản phẩm cà phê G7 mà công ty này mua của một công ty con thuộc tập đoàn Trung Nguyên.
Điều đáng nói, việc yêu cầu cơ quan chức năng giữ lại hàng và giám định thật giả đối với sản phẩm cà phê G7 đến từ Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, trong khi đó, đối tượng có hàng hoá bị yêu cầu giám định là Công ty Cổ phần hoà tan Trung Nguyên. Trong khi cả hai công ty này đều nằm trong Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.
Việc này khiến cho bên thứ ba - nhà xuất khẩu, công ty TNI – bị đình trệ hàng hóa suốt hơn 5 tháng qua, đúng thời gian cao điểm xuất khẩu cà phê phục vụ năm mới trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu bị đình trệ vì đợi giám định
Theo trình bày của Công ty TNHH MTV TNI - đơn vị xuất khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu cà phê G7, sau khi công ty này mua sản phẩm từ Công ty Cổ phần Cà phê hoà tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang, ngày 06/09/2017, công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên có đơn gửi Tổng cục Hải quan đề nghị giám sát các hàng hóa xuất nhập khẩu có mang thương hiệu Trung Nguyên và G7.
Căn cứ đơn nói trên, ngày 15/9/2017, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã ban hành công văn số 2150/GSQL-GQ4 gửi Cục hải quan các tỉnh thành phố đề nghị việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu mang nhãn hiệu Trung Nguyên và G7.
Từ các văn bản nêu trên, ngày 24/9/2017 Chi cục hải quan Tân Thanh – Lạng Sơn có quyết định 236 tạm dừng thông quan đối với lô hàng G7 do công ty TNI mua từ Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang để xuất khẩu. Đồng thời tiến hành lấy mẫu hàng hóa gửi Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ để trưng cầu giám định hàng hóa. Tiếp sau đó, động thái dừng thông quan đối với lô hàng cà phê G7 cũng diễn ra tại nhiều cửa khẩu khác trên cả nước, suốt từ tháng 9/2017 cho tới nay.
Trước diễn biến trên, Công ty TNI đã làm việc với Tổng Cục Hải quan và các cửa khẩu giữ các lô hàng cà phê G7 để xuất trình hợp đồng mua bán, hoá đơn chứng từ giữa Công ty TNI và Công ty Cổ phần Cà phê hoà tan, đồng thời cung cấp những văn bản chứng minh Công ty Cổ phần Cà phê hoà tan được Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê G7 - uỷ quyền cho sản xuất và buôn bán mặt hàng này. Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan cũng là đơn vị chuyên sản xuất các loại sản phẩm cà phê hòa tan G7 từ năm 2003 cho đến nay.
“Đối với hàng hoá xuất khẩu, nếu đơn vị xuất khẩu xuất trình được hoá đơn, chứng từ mua bán hợp pháp, hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng thì đương nhiên được thông quan. Tuy nhiên, trong trường hợp này, do có đơn tố cáo từ Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê G7 nên chúng tôi buộc phải dừng việc thông quan để làm rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Việc làm rõ nguồn gốc chất lượng sản phẩm do Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đảm nhiệm, lực lượng hải quan ra các quyết định có thông quan hay không đối với lô hàng cà phê G7 do TNI xuất khẩu căn cứ vào kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ” - một lãnh đạo Cục Quản lí giám sát Hải Quan trao đổi với phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải Quan cũng xác nhận với phóng viên việc xử lí cho thông quan hay không cho thông quan lô hàng cà phê G7 của Công ty TNI phụ thuộc vào kết luận giám định nguồn gốc hàng hoá của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Như vậy, vai trò và trách nhiệm của Viện Khoa học SHTT là rất quan trọng trong sự việc này.
Hoạt động giám định vừa kín bưng vừa bất nhất
Theo đơn kêu cứu của công ty TNI, toàn bộ quy trình giám định, công bố kết quả có liên quan trực tiếp tới lô hàng của công ty này tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ quá khuất tất, mập mờ và bất nhất.
Mẫu vật được giám định là những sản phẩm cà phê G7 được sản xuất chính hãng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ từ Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên, chi nhánh Bắc Giang do Công ty TNI mua lại để xuất khẩu. Nhưng những diễn biến giám định sản phẩm này tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ rất “li kì”, khi chỉ trong 1 thời gian ngắn, Viện này cho ra 3 kết quả giám định khác nhau.
Ngày 5/10/2017, Viện Khoa học SHTT có Kết luận giám định số NH4-17TC/KLGĐ nhận định rằng các nhãn hiệu trên bao bì tại lô hàng nói trên khó phân biết với các nhãn hiệu được bảo hộ, do đó kết luận rằng các bao bì sản phẩm trong lô hàng bị tạm giữ cua công ty TNI là hàng hóa giả mạo.
Nhận được thông tin từ hải quan và không đồng ý với kết luận giám định trên, Công ty TNI đã cung cấp các hồ sơ, chứng cứ, tài liệu chứng minh gửi Chi Cục hải quan Tân Thanh và Tổng Cục hải quan để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng bị tạm giữ. Theo đó, Tổng cục hải quan đã yêu cầu Hải quan Tân Thanh có đề nghị gửi Viện Khoa học SHTT tiến hành giám định lại nhãn hiệu hàng hóa của lô hàng, kèm theo các chứng cứ bổ sung.
Đến ngày 25/12/2017, Viện Khoa học SHTT kết luận giám định lần 2 thay thế KLGĐ lần 1 rằng: “không đủ căn cứ để khẳng định sản phẩm cà phê hòa tan gắn Dấu hiệu “G7 COFFEE CÀ PHÊ THỨ THIỆT và hình” - như được thể hiện tại Mẫu vật giám định - là hàng hóa giả mạo đối với các nhãn hiệu được bảo hộ”.
Với kết luận này, tưởng như hàng hoá của TNI sẽ được thông quan thuận lợi, tuy nhiên, ngày 29/12/2017, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ lại ra kết luận giám định lần 3 với nội dung hàng hoá nhãn hiệu cafe G7 do Công ty TNI mua từ Công ty Cổ phần hoà tan Chi nhánh Bắc Giang là giả mạo về nhãn hiệu.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ 3 lần ra các kết luận giám định khác nhau về cùng 1 đối tượng được yêu cầu giám định là cà phê G7. Những sản phẩm này đều do công ty TNI mua lại từ Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên, chi nhánh Bắc Giang theo hợp đồng mua bán ký ngày 11/4/2016 để xuất khẩu một cách hợp pháp. Căn cứ trên các giấy tờ pháp lý hiện có, công ty TNI không có bất kỳ tranh chấp sở hữu trí tuệ với Trung Nguyên, bởi họ chỉ là đơn vị mua hàng của Trung Nguyên để bán.
“Việc ra kết luận giám định bất nhất trên của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ khiến hàng hoá của chúng tôi bị các cửa khẩu giữ lại. Vì vậy, việc giao hàng cho các đối tác nước ngoài bị chậm dẫn tới việc chúng tôi bị mất uy tín, phạt hợp đồng. Nếu cứ diễn biến như thế này, công ty chúng tôi sẽ dẫn tới nguy cơ dính kiện tụng. Hiện chúng tôi đã làm đơn kêu cứu gửi tới Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương để mong sớm được giải quyết dứt điểm vụ việc”, đại diện Công ty TNI cho biết.
Một điểm khuất tất đặc biệt nghiêm trọng nữa là trong quá trình giám định, công ty TNI – chủ sở hữu của lô hàng này – hoàn toàn không nhận được thông báo chính thức nào từ cơ quan giám định từ việc mở niêm phong lô hàng, lấy mẫu vật cho tới công bố kết quả. Sau khi bị giữ hàng, công ty TNI đã nhiều lần gửi văn bản để cung cấp thông tin và đề nghị cung cấp kết quả nhưng cũng không nhận được bất kỳ phản hồi chính thức nào từ Viện.
“Tại sao chúng tôi là chủ sở hữu trực tiếp của lô hàng này mà không được cung cấp bất kỳ thông tin gì trong suốt quá trình giám định? Làm sao có thể đảm bảo rằng hàng hóa, khi bị mở niêm phong để đem đi giám định mà không có sự chứng kiến của chúng tôi, không bị đánh tráo? Ngoài ra, khi giữ hàng đợi giám định, nếu bảo quản không tốt, hàng hóa của chúng tôi bị hư hỏng thì ai sẽ bồi thường thiệt hại?”, luật sư của TNI chất vấn.
Chỉ làm việc vào buổi đêm!
Để xác minh thông tin, PV đã nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, mọi nỗ lực liên hệ đều không mang lại kết quả. Ngày 17/1/2018, khi PV tới đặt lịch làm việc, Trưởng Phòng Hành chính Đối ngoại của Viện cho biết: Lãnh đạo đi họp cả tuần và chỉ làm việc vào buổi đêm.
Bùi Phước