Chia sẻ về vấn đề này, đại diện của AirAsia chia sẻ liên doanh giữa hãng và Thiên Minh Group vẫn đang đi theo lộ trình đã ký kết vào năm 2018 và theo kế hoạch liên doanh này sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý II/2019.
"Các bước tiếp theo của thỏa thuận vẫn đang được hai bên tiến hành, dù sẽ khá lâu. Theo kế hoạch thì chuyến bay đầu tiên của hãng vẫn sẽ vào quý II/2019", vị này cho hay.
Trước đó, một số cơ quan truyền thông trong nước đã dẫn một lá thư của ông Tony Fernandes, CEO của AirAsia gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nội dung cho biết chuyến bay thương mại đầu tiên của AirAsia Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 1/8/2019.
Theo đó, trong 2 tháng tới, AirAsia và Thiên Minh Group/CTCP hàng không Hải Âu (HAA) sẽ sử dụng tối đa nguồn lực và đẩy nhanh tiến trình dự án đầu tư để có thể chính thức nộp bộ hồ sơ xin cấp phép khai thác vận tải hàng không tại Việt Nam
"Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch & Đầu tư để chuẩn bị hồ sơ cấp phép tuân thủ một cách tuyệt đối các quy định của Việt Nam liên quan đến cấp phép đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không", ông Tony cho biết.
CEO AirAsia cho hay trên cơ sở đồng ý của Sở KHĐT TP. Hà Nội về việc AirAsia mua 30% phần vốn góp của HAA, công ty sẽ được sử dụng cho mục đích liên doanh. Một bản đề án bao gồm bản giải trình chi tiết lý do thành lập một hãng hàng không giá rẻ (LCC) mới tại Việt Nam dựa trên mô hình kinh doanh của AirAsia, bản đánh giá về ngành hàng không Việt Nam, kế hoạch và cơ cấu tổ chức cho dự án liên doanh.
Lãnh đạo AirAsia muốn Thủ tướng quan tâm hỗ trợ để đẩy nhanh thủ tục cấp phép để công ty liên doanh có thể ra mắt chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 1/8/2019.
AirAsia cũng bày tỏ muốn được khảo sát kỹ hơn cơ hội đầu tư vào hai sân bay lớn tại khu vực miền Trung Việt Nam là Chu Lai và Phú Bài.
Đại diện AirAsia cho biết, trong lần sang Việt Nam hồi tháng 12, CEO AirAsia có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hiện thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn khi tăng trưởng tốt trong 10 năm qua. Cụ thể, Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cho biết đây là một trong những thị trường nóng nhất toàn cầu với mức tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4% trong suốt 10 năm, vượt trội nếu so sánh với mức 7,9% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng là nơi ngành hàng không đang tăng trưởng cao.
"Nhu cầu hàng không sẽ tăng gấp đôi, gấp 3 trong thời gian tới. Việt Nam thực sự cần các hãng hàng không mới", ông Trần Trọng Kiên, CEO Thiên Minh Group nói với Trí Thức Trẻ.
Cửa của thị trường hàng không cũng đang mở cho tư nhân tham gia. Đầu năm nay, Bamboo Airwways do ông Trịnh Văn Quyết là chủ đầu tư đã cất cánh, trở thành hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam.
Hồi giữa tháng 1, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cũng bày tỏ dự định muốn thành lập Vietravel Airlines, có văn phòng đặt tại Huế. Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietstar Airlines cũng đang quyết tâm xin được bay trong thời gian sắp tới.
AirAsia có trụ sở hoạt động tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Nhật Bản, với dịch vụ bay bao phủ toàn khu vực. Hãng đã 3 lần có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhưng đều chưa thành công, trong đó có những lần bắt tay với Vietjet Air hay Vinashin.
H.A (TH)