Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vịnh Bái Tử Long: Công trình vi phạm chỉ cưỡng chế 'trên giấy'?

Vịnh Bái Tử Long: Công trình vi phạm chỉ cưỡng chế 'trên giấy'?
Mặc dù tình trạng ồ ạt xây resort trái phép trên vịnh Bái Tử Long ngày càng trở nên trầm trọng nhưng chính quyền nơi đây vẫn để các công trình trái phép này tồn tại từ năm này qua năm khác mà không có biện pháp xử lý.

Trước đó, PhapluatNet đã có bài phản ánh “Điểm mặt các công trình gây ‘nhức nhối' trên Vịnh Bái Tử Long”. Theo đó, tại một số hòn đảo như đảo Soi Dâu, đảo Nêm, đảo Bánh Sữa, đảo Thẻ Vàng… xuất hiện hàng loạt công trình được xây dựng  trái phép theo dạng khu nghỉ dưỡng để kinh doanh các dịch vụ du lịch.

Vịnh Bái Tử Long: Công trình vi phạm chỉ cưỡng chế 'trên giấy'?
Công trình Đền Vạ Giếng nằm ở giữa Vịnh Bái Tử Long thuộc xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn.

Đối với các công trình xây dựng trái phép trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần ra văn bản đốc thúc UBND huyện Vân Đồn triển khai cưỡng chế. Ngày 7/6/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ra văn bản số 3871/UBND-XD1; Liên quan đến các hoạt động xây dựng trái phép trên địa bàn xã Thắng Lợi và xã Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn, UBND tỉnh đã có văn bản số 287/UBND-XD1 ngày 26/9/2018 chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn có biện pháp xử lý kiên quyết, hoàn thành và UBND tỉnh trước ngày 25/10/2018. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh tại văn bản số 1524/BC-BCH nêu trên, đến nay, các công trình xây dựng trái phép chưa được xử lý dứt điểm.

Vịnh Bái Tử Long: Công trình vi phạm chỉ cưỡng chế 'trên giấy'?
UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ra văn bản số 3871/UBND-XD1; Liên quan đến các hoạt động xây dựng trái phép trên địa bàn xã Thắng Lợi và xã Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn.

UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Vân Đồn khẩn trương xử lý các công trình xây dựng trái phép theo phản ánh của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh tại Báo cáo số 2698/BC-BCH ngày 14/9/2018 và số 1534/BC-BCH ngày 23/5/2019, hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trong tháng 6/2019.

Đ/C Bí thư huyện ủy, Đ/C Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nêu trên; yêu cầu có biện pháp cụ thể, đưa vào kế hoạch theo dõi, chỉ đạo xử lý hàng tuần của Huyện ủy, UBND huyện; chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu không hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến nay việc cưỡng chế vẫn chưa được thực hiện?

Tại khu vực đền Vạ Giếng, UBND huyện Vân Đồn xác định từ năm 2012, một vị đại gia đã tự ý xây dựng hàng loạt công trình trái phép như cửa, bến cập tàu, đường bê tông cùng hàng trăm mét kè đá. Năm 2014, huyện tiến hành cưỡng chế nhà ở công nhân nhưng sau đó vị đại gia này tiếp tục xây dựng một loạt nhà chòi hình bát giác. Đầu năm 2019, UBND huyện  đã ban hành quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả tại khu vực đền Vạ Giếng. Nhưng đến nay hàng loạt công trình kiên cố gồm 1 nhà sàn gỗ 2 tầng, cột gỗ, sàn gỗ, mái ngói, tuyến kè đá cập tàu dài trên 100m, đường bê tông dài và một số công trình khác vẫn sừng sững giữa biển trời.

Vịnh Bái Tử Long: Công trình vi phạm chỉ cưỡng chế 'trên giấy'?
Đảo Soi Dâu nhìn từ trên cao.

Trong quá trình huyện triển khai kế hoạch cưỡng chế thì UBND xã Thắng Lợi đã nhận được đơn khiếu nại, kiến nghị của đại diện cho vị đại gia trên về việc cưỡng chế phá dỡ công trình không đúng quy định. Sau khi rà soát lại toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm của UBND xã Thắng Lợi, xin ý kiến tham gia của Sở Xây dựng, Sở TN&MT, UBND huyện xét thấy cần phải xác minh, củng cố thêm hồ sơ.

Hồi giữa tháng 5, tại cuộc họp với vị đại gia trên về kế hoạch cưỡng chế các công trình sai phạm, vị đại gia trên đề nghị UBND huyện Vân Đồn xem xét để ông hoàn thiện các thủ tục tiếp theo, cho giữ nguyên hiện trạng công trình. Sau khi được cấp phép, công trình nào ngoài giấy phép gia đình sẽ tự tháo dỡ, công trình nào phù hợp đề nghị giữ lại phục vụ lợi ích tâm linh.

Sau khi trao đổi, những người tham gia buổi họp cùng thống nhất: Các công trình xây dựng tại khu vực đền Vạ Giếng do vị đại gia này thực hiện đã vi phạm các quy định về hoạt động xây dựng, đất đai. Yêu cầu ông phá dỡ toàn bộ công trình đã bị lập biên bản vi phạm hành chính.

Tại cuộc họp, vị đại gia này đã đồng ý phá dỡ toàn bộ công trình vi phạm nói trên (trừ nhà sàn gỗ hai tầng diện tích 80 m2) trước ngày 23/5/2019. Tuy nhiên, dù trong cuộc họp trên ông đã đồng ý tự tháo dỡ nhưng sau đó không thực hiện. 

Đối với các công trình trên đảo Soi Dâu, từ năm 2012, UBND huyện Vân Đồn đã xác lập hồ sơ vi phạm đất đai đối với một đại gia khác. Chính quyền xã Thắng Lợi và huyện Vân Đồn xác định từ năm 2009 vị đại gia này đã san gạt đất rừng tại đảo xây nhà (150 m2), sân, kè (400 m2), đường nội bộ… trái phép. Tháng 7/2012, UBND huyện Vân Đồn đã ra quyết định cưỡng chế yêu cầu khắc phục hậu quả tại đảo Soi Dâu. 

Về Dự án trồng rừng và du lịch sinh thái phía Tây đảo Thẻ Vàng (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) của ông Tô Văn Chương, theo hồ sơ pháp lý liên quan đến đất đai mà ông cung cấp, ông đang quản lý, sử dụng khoảng 177ha, gồm 3 phần có nguồn gốc: Khu vực đất trồng rừng sản xuất (đã được cấp có thẩm quyền giao đất) là 59,2ha; đất đầm nuôi trồng thủy sản nhận chuyển nhượng lại từ ông Đoàn Viết Sinh từ năm 2007, diện tích 6,3ha; khu vực trồng và bảo vệ rừng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giao đất (111,6ha, trong đó có 97ha đất trồng và bảo vệ rừng; 14,6ha đất nuôi thủy sản).

Đối với vi phạm này, từ năm 2012 UBND huyện Vân Đồn đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông dừng mọi hoạt động xây dựng trái phép, tự tháo dỡ công trình vi phạm và trả lại hiện trạng ban đầu. Thay vì thực hiện những yêu cầu này, ông  tiếp tục xây dựng thêm 1 ngôi chùa lớn và các công trình phụ trợ trên đảo.

Vịnh Bái Tử Long: Công trình vi phạm chỉ cưỡng chế 'trên giấy'?
Kè đá, bến cập tàu xây dựng trái phép trên Hòn Soi Dâu.

Tương tự, tại đảo Hòn Nêm, đảo Bánh Sữa, hàng trăm hecta đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản cũng bị một vị đại gia khác xây dựng các công trình, biến thành khu du lịch nghỉ dưỡng. UBND huyện Vân Đồn cũng đã ra các quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, lập phương án cưỡng chế... nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trước loạt sai phạm trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần tiến hành thanh tra, xử phạt, thậm chí ra cả quyết định cưỡng chế nhưng đến nay việc cưỡng chế chỉ ở “trên giấy”. Hàng loạt công trình vi phạm vẫn nghiễm nhiên tồn tại, thậm chí có những công trình còn được hợp thức hóa “thần tốc” để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao việc xây dựng trái phép bị phát hiện, thậm chí bị xử phạt đã lâu mà đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại? Liệu UBND huyện có mạnh tay dẹp bỏ hay tạo “điều kiện” cho các đại gia này vi phạm?

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.43162 sec| 657.828 kb