Sáng ngày 14/6, sau 2 ngày thẩm vấn, đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình nêu quan điểm luận tội và giải quyết kháng cáo của Hoàng Công Lương cùng 4 bị cáo vụ chạy thận nhân tạo.
Theo đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình, tại phiên tòa phúc thẩm, Hoàng Công Lương đã rút nội dung kháng cáo xin tòa xem xét lại tội Vô ý làm chết người. Do đó, VKS đề nghị HĐXX căn cứ Điều 342 Bộ luật Tố tụng hình sự nhận định và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng án này của bị cáo.
Về việc xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, VKS nhận thấy, sau khi xảy ra sự cố chạy thận làm chết 8 người, bị cáo Lương đã tích cực tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân.
Hoàng Công Lương có nhân thân tốt, chưa có tiền án hay tiền sự. Bản thân bị cáo là người dân tộc thiểu số, quá trình công tác có nhiều thành tích trong ngành. VKS cho rằng đó là những tình tiết giảm nhẹ phù hợp quy định tại Bộ luật Hình sự 1999.
Cụ thể, VKS đề nghị HĐXX phạt Hoàng Công Lương từ 36 đến 39 tháng tù về tội Vô ý làm chết người, án sơ thẩm 42 tháng. Ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, VKS đề nghị phạt Trương Quý Dương (cựu giám đốc bệnh viện Hoà Bình) 30 tháng tù, Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) 36 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh Hoà Bình) 36 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thiên Sơn) 30 tháng.
Đối với 4 bị cáo còn lại, đại diện cơ quan công tố cho rằng với hậu quả xảy ra, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo đã gây ra cái chết cho 8 bệnh nhân. VKS nhận thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của các bị cáo này.
Theo VKS, bị cáo Trương Quý Dương là giám đốc bệnh viện nên phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Ông Dương ký quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo và ký các hợp đồng liên kết máy chạy thận, sửa chữa hệ thống song không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên và buông lỏng quản lý trong thời gian dài. Biết Công ty Thiên Sơn không lấy mẫu nước đi xét nghiệm sau khi sửa chữa, ông Dương vẫn ký thanh lý hợp đồng cho xong thủ tục. Sự thiếu trách nhiệm của bị cáo Dương là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố y khoa.
Ông Dương có những tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác,... Tuy nhiên hành vi của ông Dương gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần có tính răn đe nên không thể chấp nhận cho hưởng án treo.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn trực tiếp ký hợp đồng đặt máy, sửa chữa hệ thống RO số 2 với bệnh viện, bởi phát sinh trách nhiệm chung trong điều trị cho bệnh nhân.
Bị cáo biết bệnh viện thường đưa hệ thống vào sử dụng ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm nước nhưng không nhắc nhở. Khi nhận hợp đồng sửa chữa hệ thống RO, Tuấn thường bỏ mặc Quốc tự làm... Hành vi thiếu trách nhiệm của Tuấn là nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng nên VKS đề nghị bác toàn bộ đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo.
Về bồi thường dân sự, bản án sơ thẩm buộc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình và Công ty Thiên Sơn liên đới bồi thường cho mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 200 triệu đồng, mỗi người bị ảnh hưởng sức khoẻ 50 triệu đồng. Trong đó, bệnh viện chịu 70%.
Tuy nhiên VKS đề nghị HĐXX cần đánh giá lại vai trò của Bùi Mạnh Quốc, Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn, xác định các bị cáo đều có lỗi gây thiệt hại. Việc bệnh viện chịu 70%, Thiên Sơn chịu 30% bồi thường cho các gia đình nạn nhân là không có căn cứ nên đề nghị HĐXX xem xét lại theo quy định pháp luật.