Mới đây, Công an quận 3 phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an TP.HCM đã bắt giữ 1 nghi can liên quan đến vụ băng cướp tấn công, đâm nhóm "hiệp sĩ" khiến 2 người chết, 3 người bị thương.
Trong quá trình lấy lời khai, bước đầu nghi can thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Dù vậy danh tính của đối tượng vẫn chưa được cơ quan công an tiết lộ.
Theo đó nghi can khai nhận là thành viên trong băng trộm xe xịn tại TP.HCM. Nhóm này thường trộm các xe máy tay ga giá trị cao như Vespa, SH,… Trước đây, đối tượng cùng đồng bọn từng thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm xe.
Đặc biệt nhóm toàn những đối tượng có tiền án, tiền sự. Mỗi lần đi trộm cướp, chúng thường thủ theo hung khí để chống trả nạn nhân hoặc người dân khi bị truy đuổi.
Đến tối 14/5, hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM đã tổ chức vây bắt nghi can thứ hai.
Theo đó, hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM đã vây bắt nghi can này tại một căn nhà trên đường Phạm Văn Chiêu, thuộc địa bàn phường 9, quận Gò Vấp.
Hiệp sĩ bị thương kể lại chuyện bị cướp tấn công
Chiều 14/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến bệnh viện, nơi các “hiệp sĩ” bị trọng thương đang điều trị để thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các bệnh nhân và gia đình.
Các bác sĩ bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, “hiệp sĩ” Hoàng nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, mất nhiều máu, có vết thương ở ngực trái do bị chém, rách màng ngoài tim, thủng phổi, vết thương thấu bụng rách gan, rách dạ dày… Sau khi nhập viện, ông Hoàng được các bác sĩ phẫu thuật, khâu vết thương.
Tại bệnh viện, “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng kể lại chuyện mình bị cướp tấn công dẫn tới trọng thương, bất tỉnh được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ông Hoàng nói, sau khi khỏe lại, ông sẽ tiếp tục truy đuổi, bắt tội phạm trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.HCM gửi lời cảm ơn tinh thần quả cảm của cá nhân “hiệp sĩ” Hoàng và các “hiệp sĩ” khác. Riêng 2 “hiệp sĩ” ngã xuống đã để lại nỗi xót xa, thương tiếc cho tất cả người dân thành phố.
Đến thăm các “hiệp sĩ” tại bệnh viện Thống Nhất, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ông rất xúc động khi biết hai bạn trẻ Trần Phú Quý, Nguyễn Đức Huy (cùng SN 1996, ngụ TP.HCM) vừa học vừa tham gia bắt cướp bảo vệ bình yên cho người dân thành phố. Việc làm này thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân trẻ thành phố và rất đáng trân trọng.
Đại diện gia đình bệnh nhân Trần Phú Quý cho biết, “hiệp sĩ” Quý từng mê bắt cướp từ nhỏ. Lên thành phố học đại học, Quý tham gia đội “hiệp sĩ” nhưng gia đình không hề biết. Nghe tin con mình bị trọng thương do cướp tấn công, gia đình Quý rất xót xa. Họ đã thay nhau trực tại bệnh viện, cầu mong con sớm bình yên để về với gia đình.
TP Hồ Chí Minh nên thành lập các tổ 141, 142 như Hà Nội
Theo Trung tá, Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học, hiện đang công tác tại Bộ Công an việc bảo vệ an ninh trật tự, sự bình yên trong cuộc sống không thể giao khoán, phó mặc hoặc trông chờ vào một lực lượng mà đây là việc của toàn xã hội.
Với tư cách bài trừ tội phạm, những hiện tượng xã hội tiêu cực cần phải được đặt ra, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, mọi công dân.
Ông cho rằng TP HCM hoàn toàn nên thành lập tổ công tác 141, 142 chuyên trách giống như Hà Nội và lấy kinh nghiệm rút ra từ Hà Nội. Khi công tác tại Công an Hà Nội, tôi trực tiếp tham gia xử lý công việc do tổ 141 hoạt động ngoài đường mang về nên thấy hiệu quả rất tốt.
Các tổ công tác liên ngành Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự mật phục, hóa trang… chốt chặt trên các tuyến giao thông hết sức có ý nghĩa trong việc phòng chống tội phạm.
Vì trong quá trình di chuyển, tham gia giao thông, các tổ trinh sát phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện trong người có vũ khí sẽ chặn bắt, ngăn chặn sớm được vụ án.
Rất nhiều các băng nhóm dẫn quân đi thanh toán, mâu thuẫn nhưng trên đường gặp tổ 141 bị cản lại.
"Chúng tôi cho rằng, tại TP Hồ Chí Minh tình hình an ninh trật tự có những diễn biến phức tạp nên rất cần các tổ công tác 141, 142 tạo thành thế trận đan xen, kịp thời ngăn chặn tội phạm", ông nói.
Anh Huy (TH)