Liên quan đến vụ 2 sản phụ tử vong, tối ngày 22/11 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND TP Đà Nẵng ban hành công văn thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ về vụ việc 2 sản phụ tử vong, 1 sản phụ nguy kịch nghi do thuốc gây tê tại Bệnh viện Phụ nữ TP.
Cũng trong ngày 21/11, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc với sở Y tế, bệnh viện Phụ nữ và các đơn vị liên quan xung quanh vấn đề này.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kết luận, trong vụ việc trên, Sở Y tế TP chưa chủ động trong việc nắm bắt thông tin từ một số địa phương để kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy của Ba Lan.
Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra các trường hợp tương tự; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời chuyển lên tuyến trên đối với những ca vượt khả năng xử lý. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dược, chú trọng công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên lựa chọn những loại thuốc tốt nhất.
Bên cạnh đó, ông Thơ cũng yêu cầu sở Y tế TP. Đà Nẵng làm việc với công ty cung ứng thuốc về lô thuốc gây tê Bupivacaine, thành lập Hội đồng chuyên môn theo quy định để đánh giá và có kết luận chính thức về vụ tai biến sản khoa; đề nghị bệnh viện Phụ nữ rút kinh nghiệm trong việc chẩn đoán lâm sàng để kịp thời chuyển lên tuyến trên đối với những ca vượt khả năng xử lý; đồng thời rà soát, xem lại quy trình, trang thiết bị và các điều kiện liên quan đến việc khám, chữa bệnh…
Đặc biệt, các cơ sở y tế có liên quan phải chăm sóc tốt sản phụ và các bé sơ sinh trong vụ việc.
Ở một diễn biến khác, sau khi nhận được báo cáo của sở Y tế TP Đà Nẵng về một số ca tai biến sản khoa nghiêm trọng tại bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng, bộ Y tế đã yêu cầu sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc bộ phải có hành động để kịp thời ngăn chặn các tai biến sản khoa có thể tiếp tục xảy ra.
Bộ Y tế cho rằng, các ca tai biến nghiêm trọng tại bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng đều có đặc điểm chung là xảy ra sau khi gây tê tủy sống giảm đau trong mổ lấy thai (mổ bắt con). Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành tìm hiểu nguyên nhân.
Trong thời gian chờ kết quả, bộ Y tế yêu cầu sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc bộ tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng làm công tác gây mê hồi sức và hồi sức cấp cứu về dự phòng, phát hiện và xử trí các biến chứng của thuốc gây tê.
Các đơn vị tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở y tế có thực hiện thủ thuật gây tê vùng chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị và thuốc thiết yếu phục vụ cấp cứu các trường hợp tai biến do dùng thuốc tê.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương rà soát, phát hiện các trường hợp xảy ra biến cố bất lợi liên quan đến thuốc tê (nếu có), lập báo cáo gửi về Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc - DI & ADR Quốc gia (đồng gửi cục Quản lý Dược, cục Quản lý Khám chữa bệnh và vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em, bộ Y tế) theo hướng dẫn tại Quyết định số 1088/QĐ-BYT của Bộ trưởng bộ Y tế.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 17/11, 2 sản phụ nhập Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng để theo dõi sinh gồm sản phụ V.T.N.S và N.T.H (cùng SN 1986, ngụ TP Đà Nẵng). Sản phụ S. thì tử vong vào tối cùng ngày còn sản phụ H. thì được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, ngày 22/10, sản phụ H.T.P.T (SN 1987, ngụ TP Đà Nẵng) cũng nhập Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng để chờ sinh và tử vong.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, cả 3 sản phụ trên đều được Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng tiếp nhận đúng quy trình và có chỉ đạo mổ lấy thai. Trong lúc tiêm thuốc gây tê tủy sống, các sản phụ này có biểu hiện co giật. 3 trẻ sơ sinh đều được an toàn sau phẫu thuật và hiện ổn định về sức khỏe. Hiện tại sức khỏe của sản phụ H. đã qua cơn nguy kịch và đang có dấu hiệu phục hồi.