Sáng nay, phiên toà xét xử vụ án hình sự khiến 8 bệnh nhân tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp tục phần xét hỏi.
HĐXX cho đối chất giữa bị cáo Bùi Mạnh Quốc (GĐ công ty Trâm Anh) và Bùi Văn Sơn (cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị của BV) về biên bàn giao thiết bị giữa công ty Thiên Sơn với phòng vật tư sau sửa chữa vào thời điểm 18h30 ngày 28/5.
Quốc khẳng định, không ký vào hai biên bản bàn giao thiết bị trong ngày 28/5/2017.
Trong khi đó, Sơn thừa nhận, hai biên bản này ghi ngày 28/5 nhưng được lập vào chiều 29/5 (sau khi xảy ra sự cố khiến 8 bệnh nhân tử vong) và đưa cho bị cáo Quốc ký.
Sơn cũng thừa nhận khi lập biên bản này phải có sự chứng kiến của đại diện bệnh viện và đơn vị sửa chữa. Tuy nhiên, sau khi các bệnh nhân tử vong, Sơn mới lập biên bản để “hợp thức hoá các thủ tục”.
Khi HĐXX hỏi: Có ai chỉ đạo việc ký và lập khống biên bản này?, Sơn ấp úng nói: Không có ai chỉ đạo.
Biên bản nói trên không được giao nộp cho cơ quan điều tra.
Tương tự, với biên bản bàn giao thiết bị giữa phòng Vật tư của BV với đơn nguyên thận nhân tạo, Sơn khai cũng tạo khống và đều được ký vào chiều 29/5.
Trả lời thẩm vấn trong vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) cho hay thiết bị, máy móc do phòng vật tư quản lý, đơn nguyên thận nhân tạo chỉ là đơn vị sử dụng.
Hoàng Công Lương chỉ có trách nhiệm điều trị bệnh nhân tại đây và “không phải là người quản lý đơn nguyên này”. Trong quá trình vận hành để chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân, một điều dưỡng viên thấy hệ thống lọc nước RO không đảm bảo nên báo bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) đến kiểm tra chứ anh ta “không làm đề xuất sửa chữa” và cũng "không có trách nhiệm phải kiểm tra".
BS Hoàng Công Lương cho biết, không tự đề xuất sửa chữa thiết bị vào ngày 20/4 mà chỉ ký xác nhận vào biên bản đề xuất cùng điều dưỡng Hằng. Theo BS Lương, đơn nguyện chạy thận có 3 bác sĩ, ai cũng có thể ký vào biên bản này, hôm đó anh gặp chị Hằng nên là người ký.
BS Lương nói thêm, có nắm được thông tin sẽ bảo dưỡng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28/5, tuy nhiên cụ thể sửa chữa gì thì không biết. Theo nguyên tắc, ai trực ngày nào sẽ nhận bàn giao thiết bị sau sửa chữa ngày đó, thời điểm ngày 28/5 là điều dưỡng Đỗ Thị Điệp trực.
HĐXX hỏi bị cáo Lương, trong Đơn nguyên thận nhân tạo, ai là người được phép ra y lệnh lọc máu chạy thận nhân tạo và có trách nhiệm về y lệnh này? Bị cáo Lương cho biết, 3 bác sĩ ở Đơn nguyên thận nhân tạo đều có quyền ra y lệnh và chịu trách nhiệm về y lệnh của mình. Chỉ trong trường hợp khó, các bác sĩ sẽ hội chẩn và người ra y lệnh cuối cùng phải chịu trách nhiệm về điều này.
Trước câu hỏi của HĐXX, sáng ngày 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố 8 người chết, 10 người bị thương) ai là người ra y lệnh lọc máu chạy thận cho các bệnh nhân? Bị cáo Lương khai, sau khi được điều dưỡng Điệp thông báo thiết bị chạy thận có thể hoạt động bình thường, bị cáo và 2 bác sĩ còn lại đã ra y lệnh.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Lương đã nhiều lần khẳng định trước tòa, bị cáo chỉ có nhiệm vụ là bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên thận nhân tạo còn không có trách nhiệm về chất lượng thiết bị, việc này do phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế phụ trách. Khi phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế bàn giao cho Đơn nguyên thận nhân tạo sử dụng, nghĩa là máy móc đã đảm bảo an toàn.
Anh Vũ (TH)