Không chỉ riêng tôi, có lẽ sẽ không ít người đặt ngay câu hỏi, tại sao đám cháy xảy ra vào ngày 17/9, mà mãi cho đến ngày 21/9 mới phát hiện ra hai thi thể chết ở hiện trường?
Câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai luôn dành cho cơ quan chức năng trả lời. Có hay không sự tắc trách trong khám hiện trường ban đầu, để rồi 4 ngày sau mới phát hiện có tới hai nạn nhân chết là vấn đề cần làm rõ.
Trong mọi nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh, không có bi kịch nào giống nhau. Tuy nhiên, nỗi đau đớn phải sống trong cảnh vừa bệnh tật lại vừa nghèo khó, có lẽ là bi đát nhất.
Ai cũng biết rằng, dãy nhà trọ của người đàn ông có biệt danh Hiệp “khùng” ở ngay gần bệnh viện Nhi Trung ương đó là dành cho những người nghèo, không có điều kiện kinh tế, trong khi lại phải đối diện với ốm đau bệnh tật của con cái.
Người nghèo làm sao dám mơ đến những nơi chăn ấm nệm êm giữa chốn phồn hoa đô hội. Người nghèo, sau một ngày vất vả vật vã chăm sóc cho con, cháu việc có một chỗ ngả lưng phục hồi sức lực với giá phải chăng đã là tạm bằng lòng. Họ chẳng cần gì hơn thế. Có những điều bình thường với người này, lại là giấc mơ xa vời của biết bao người khác.
Song, đúng như cổ nhân nói “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Đã phải sống trong cảnh nghèo khó và bệnh tật, thì lại gặp họa bi thương.
Trong vụ cháy ở Đê La Thành, nỗi đau và mất mát quá lớn. Ngay từ đầu, sau vụ cháy người ta đã không phát hiện ra sự thật khủng khiếp để đến khi phát hiện lại càng thêm nỗi xót xa. Hai người đã vĩnh viễn ra đi vì hỏa hoạn.
Thủy, hỏa, đạo tặc. Trong nỗi khiếp sợ của bao đời, cháy (hỏa) chỉ đứng sau thảm họa đại hồng thủy mà thôi.
Trong vụ cháy dãy nhà trọ ở Đê La Thành, gần viện Nhi Trung ương, nỗi ám ảnh chắc hẳn sẽ còn kéo dài.
Một trong những suy nghĩ đó là sự trăn trở về những thân phận nghèo khó, sống cùng cảnh bệnh tật của con cái và tai họa xảy ra là mất luôn cả mạng sống. Bi kịch của những người khốn khổ bởi đắng cay thay, người nghèo không có nhiều lựa chọn…
N.D
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả