Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra bản kết luận điều tra bổ sung trong vụ án sự cố y khoa chạy thận khiến 9 người tử vong tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong đó, đối với ông Trương Quý Dương - cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình - với chức trách, nhiệm vụ là người đứng đầu, ông Dương đã phân công, phân nhiệm vụ trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Đối với việc thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, ông Dương đã giao trách nhiệm cho phòng Vật tư, thiết bị y tế phối hợp với khoa Hành chính chịu trách nhiệm thực hiện. Trong quá trình thực hiện phòng Vật tư, thiết bị y tế và khoa Hồi sức tích cực không báo cáo về tiến độ, cách thức thực hiện để giám đốc nắm bắt, chỉ đạo.
Việc ký hợp đồng số 315/BVĐKT-TS đối với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn với nội dung: Cung cấp vật tư, sửa chữa, tiệt trùng, xét nhiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn AAMI hệ thống lọc nước RO số 2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình là đúng theo pháp luật. Ngoài ra, đã tiến hành giám định đối với trang thiết bị, vật tư phục vụ chạy thận đều đảm bảo chất lượng theo hợp đồng và tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, điều hành, ông Trương Quý Dương chưa sâu sát trong thực hiện chức trách người đứng đầu bệnh viện.
Cụ thể: Từ 2015 đến 2017, không có quyết định giao phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo cho cá nhân cụ thể để điều hành hoạt động đơn nguyên. Không có quyết định giao hệ thống RO số 2 cho cá nhân trong khoa Hồi sức tích cực đảm nhiệm. Từ khi có quyết định thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo, Giám đốc BV không chỉ đạo ban hành văn bản quy định cụ thể về quy trình bảo quản, sửa chữa, bàn giao đưa vào hệ thống lọc nước RO số 2. Qua đó, để xảy ra tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO tùy tiện trong thời gian dài.
Có vai trò là người đứng đầu cơ quan "chịu trách nhiệm về toàn bộ, mọi mặt hoạt động của bệnh viện và pháp luật của Nhà nước" nên ông Dương phải chịu liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về mặt hành chính.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Lê Văn Thiệp (người bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương) cho rằng, kết luận điều tra bổ sung lần này của cơ quan công an chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được hết các khía cạnh của vụ án, vì thời hạn điều tra bổ sung có 1 tháng mà cơ quan điều tra lại khởi tố thêm 2 bị can nữa. Cũng theo luật sư Thiệp, trách nhiệm điều tra liên quan đến ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải tiếp tục củng cố. "Tôi tin đây không phải là kết luận cuối cùng. Có thể sẽ còn có kết luận điều tra bổ sung", luật sư Thiệp cho biết thêm.
Nhìn nhận về việc cơ quan công an đã có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp, luật sư Thiệp cho rằng, cơ quan điều tra mới chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp, VKS có thể yêu cầu điều tra bổ sung. "Người ta có các phiếu điều tra, sau đó cơ quan kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra điều tra tiếp. Chắc chắn đây không phải là kết luận cuối cùng và không thể ra cáo trạng theo kết luận này của công an được", luật sư Thiệp nhận định.
Đánh giá về việc cơ quan điều tra khởi tố thêm 2 bị can trong vụ án, luật sư Thiệp cho rằng việc khởi tố đối với Trần Văn Thắng là đúng theo quy định pháp luật. Còn việc khởi tố đối với ông Hoàng Đình Khiếu là chưa thỏa đáng. Luật sư Thiệp nhìn nhận, ông Trương Quý Dương có văn bản 586 giao nhiệm vụ cho Trưởng phòng Thiết bị vật tư và Trưởng phòng Tài chính kế toán về việc thực hiện hợp đồng thay thế sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nên phòng Hồi sức Cấp cứu ít có liên quan. Trong trường hợp của ông Khiếu, chỉ nên xem xét về việc có hay không việc làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức trong vấn đề ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ của bác sĩ Hoàng Công Lương.
Theo luật sư Thiệp, trong kết luận điều tra bổ sung tiếp tục không khởi tố đối với ông Trương Quý Dương khiến ông bức xúc và nhiều người lại đặt ra câu hỏi về việc có bỏ lọt tội phạm hay không.
Xuân Hòa