Vụ án hình sự liên quan đến Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu – Chi nhánh TP HCM (GPBank TP.HCM) được đưa ra xét xử lần đầu vào ngày 31/7/2017 tại TAND TP.HCM. Các bị cáo bị truy tố gồm: Lê Thị Minh Hiền (SN 1977, nguyên Giám đốc GPBank TP.HCM) – bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Lê Quốc Cường (SN 1960, nguyên Trưởng Ban BTGPMB quận 1) - bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” và Huỳnh Thị Cúc (SN 1970, nguyên Thủ quỹ ban BTGPMT quận 1) - bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, do còn nhiều tình tiết cần làm rõ, HĐXX đã quyết định tạm hoãn, trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Tiếp đó, đến ngày 24/11/2017, TAND TP.HCM lại tiếp tục mở phiên xét xử vụ án. Một lần nữa, do lời khai của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn, nhiều tình tiết mới xuất hiện nên HĐXX tiếp tục tạm hoãn phiên tòa. Trọng tâm vấn đề cần làm rõ ở đây, rằng liệu hành vi của bị cáo Hiền có đủ cơ sở để cấu thành tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không”!? Và trách nhiệm của các bên ra sao khi xảy ra việc thất thoát tài sản!?
Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2009 đến ngày 15/7/2010, Hiền đã nhiều lần chỉ đạo Nguyễn Quốc Huy (nguyên thủ quỹ GPBanhk TP HCM) lấy tiền quỹ cho Hiền tạm ứng sử dụng cá nhân. Việc tạm ứng được Huy ghi vào sổ để theo dõi.
Khoảng 18h ngày 15/7/2010, GPBank TP HCM tiến hành kiểm quỹ tiền mặt để bàn giao chức vụ của bà Hiền cho ông Nghiêm Tiến Sỹ. Tổng cộng có 14.098.967.600 đồng tiền mặt, sổ sách là 24.595.964.021 đồng, chênh lệch 10.496.996.421 có sự chứng kiến của Nguyễn Thanh Phú (Phó giám đốc GPBank TP HCM), Lê Thị Minh Hiền và Nghiêm Tiến Sỹ.
Theo lời khai của Nguyễn Quốc Huy, số tiền bị thiếu là do bà Hiền tạm ứng quỹ sử dụng trước đó. Lúc này bà Hiền bàn bạc với Nghiêm Tiến Sỹ thống nhất cho Huy ghi vào phần ghi chú là chứng từ chưa hoạch toán 10.500.000.000 đồng, sau đó tất cả cùng ký vào sổ kiểm quỹ tiền mặt hằng ngày. Số tiền hao hụt Hiền nhận trách nhiệm và hứa trả.
Thời điểm này, ban BTGPMB quận 1 có 4 tài khoản tại GPBank TP HCM với số tiền gửi 10.779.798.456 đồng. Hiền đã đến nhờ Lê Quốc Cường, trưởng ban BTGPMB quận 1 làm giấy đề nghị chuyển tiền của ban BTGPMB quận 1 tại GPBank TP HCM sang Agribank Chợ Lớn và Cường thực hiện. Sau đó, Hiền đến Agribank Chợ Lớn đặt vấn đề giải quyết cho công ty TNHH Cường Nguyễn vay 10,5 tỷ đồng trong thời hạn 7 ngày, tài sản đảm bảo là hơn 10,7 tỷ đồng từ tài khoản ban BTGPMB mở tại Agribank Chợ Lớn được chuyển từ GPBank TP HCM qua.
Như vậy, liệu có đủ cơ sở để khép Hiền vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sử dụng thủ đoạn lừa gạt, gian dối để chiếm đoạt tiền của ngân hàng cũng như tiền của ban BTGPMB Quận 1!? Khi mà trong toàn bộ quá trình, việc Hiền mượn tiền quỹ tiêu dùng cá nhân, tới việc Hiền đứng ra nhận trách nhiệm trả lại tiền thiếu hụt trong quỹ... đều được biết hoặc có sự đồng ý của nhân viên, lãnh đạo ngân hàng. Hơn thế nữa, việc bị cáo Cường khai nhận hoàn toàn nhận thức được việc cho Hiền sử dụng số tiền 10.797.773.801 đồng gửi tại GPBank TP.HCM theo hình thức thực hiện trên giấy tờ là sai quy định.
Và cần lưu ý rằng, số tiền mà Hiền bị cho là đã “chiếm đoạt” thực tế chỉ dừng lại ở việc chuyển số liệu tiền trên mặt giấy tờ mà thôi, bản thân Hiền không hề chiếm đoạt đồng nào cả. Như vậy, phải chăng đã quá vội khi kết luận bà Hiền “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”!?
Một vấn đề nữa cần đưa ra làm rõ, là vai trò cũng như trách nhiệm của Ngân hàng GPBank trong vụ việc. Cụ thể, theo như kết luận điều tra, thời điểm kiểm quỹ tiền mặt để bàn giao chức vụ, khi bà Hiền đứng ra nhận trách nhiệm và hứa hoàn trả số tiền thất thoát có sự chứng kiến và đồng ý của nhiều cán bộ, nhân viên ngân hàng. Bản thân ông Sỹ lúc đó đã là GĐ ngân hàng cũng đã thống nhất với bà Hiền, đồng thời cho Huy ghi vào phần ghi chú là chứng từ chưa hoạch toán 10.500.000.000 đồng, sau đó tất cả cùng ký vào sổ kiểm quỹ tiền mặt.
Hơn hết, sau quá trình kiểm quỹ, bàn giao chức vụ, Hiền trên thực tế đã thôi giữ chức giám đốc ngân hàng và đơn thuần chỉ là công dân bình thường. Như vậy, cá nhân Hiền không có quyền chuyển tiền hay giao dịch tiền bạc của ban BTGPMB quận 1 ra khỏi GPBank TP HCM. Để chuyển được tiền, Nghiêm Tiến Sỹ và Nguyễn Thanh Phú đóng vai trò then chốt vì đã ký những quyết định tất toán, chuyển tiền khống từ GPBank TP HCM sang Agribank Chợ Lớn.
Cần phải nói rõ, tiền của ban BTGPMB quận 1 được gửi tại GP Bank theo hợp đồng cụ thể, rõ ràng giữa hai bên. Chứng từ khống dùng chuyển tiền là do lãnh đạo của GPBank ký duyệt, thực hiện (cá nhân bà Hiền lúc đó không còn là GĐ ngân hàng GP Bank-PV). Do đó, nếu trường hợp tài khoản của ban BTGPMB quận 1 hoặc bất cứ tài khoản của khách hàng nào gửi tại GPBank bị thất thoát, thì chính ngân hàng GPBank phải đứng ra chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó mới tính tới việc xử lý trách nhiệm của những cán bộ, cá nhân liên quan tới vụ việc.
Như vậy, để tránh việc bỏ sót tội phạm cũng như tránh gây oan sai, thưa kiện kéo dài, HĐXX nên cân nhắc, xem xét thật kỹ những vấn đề, tình tiết quan trọng để xét xử đúng người, đúng tội.
Phapluatnet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
PV.