Sáng ngày 5/11, ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TP. Hà Nội đã làm việc với lãnh đạo Nhà trường để điều tra và làm rõ việc giáo trình giảng dạy tiếng Trung của Khoa Trung - Nhật có chứa bản đồ in hình "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Ông Hóa cũng cho biết thêm: "Những cuốn giáo trình liên quan đến sự việc đã được lực lượng Công an lập biên bản, mang về phục vụ cho quá trình điều tra. Sau khi sự việc xảy ra, Nhà trường đã có động thái thu hồi toàn bộ sách, tuy nhiên, chúng tôi cũng e ngại có thể sẽ còn những bản photocopy trôi nổi lọt ra ngoài".
Được biết, trung tâm phát hành sách của đại học Kinh doanh và Công nghệ này chỉ in 716 cuốn, còn lại là sách photocopy. Quá trình thu hồi các giáo trình có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp này được thực hiện từ tuần trước. Cho đến nay số lượng sách thu hồi lên đến gần 1.000 cuốn. Khoa tiếng Trung - Nhật phải hoàn thành việc thu hồi này trước ngày 20/11/2019.
Ngày 30/9, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thành lập hội đồng lựa chọn giáo trình cấp trường cho các môn Đọc của khoa Tiếng Trung - Nhật gồm 5 thành viên. Đến ngày 21/10, trường yêu cầu khoa dừng việc sử dụng giáo trình có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp; thu hồi những sách có nội dung, hình ảnh xuyên tạc, rà soát giáo trình có nguồn gốc từ nước ngoài.
Trước đó, ông Bùi Văn Thanh, Chủ nhiệm khoa tiếng Trung- Nhật, cho biết khoa này từng rà soát nội dung của cuốn giáo trình trên trước khi đưa vào giảng dạy. Kết quả cho thấy không có nội dung nào đề cập về tranh chấp biển đảo, trong phần bản đồ chỉ có “một tí dính vào” ("đường lưỡi bò" - PV) nên không phát hiện được.
Sau khi ĐH Kinh doanh và Công nghệ có chủ trương rà soát toàn bộ giáo trình để trình Ban giám hiệu ký, Khoa tiếng Trung-Nhật mới phát hiện cuốn giáo trình trên có in hình “đường lưỡi bò”.
“Khi rà soát và nhìn thấy chấm chấm, nhiều người lúc đầu cũng không hiểu đó là đường lưỡi bò” - ông Thanh nói.
Nói về quy trình kiểm duyệt sách khi chọn là giáo trình chính thức cho sinh viên, chủ nhiệm Khoa tiếng Trung - Nhật cho biết: “Về quy trình đầu tiên sẽ là hội đồng khoa học của khoa xem xét, chọn lọc sau đó trình hội đồng khoa học của nhà trường kiểm duyệt một lần nữa rồi mới chọn làm giáo trình chính thức cho sinh viên”.
Ông Thanh cũng cho biết, sau khi Nhà trường thu hồi và hủy bỏ toàn bộ giáo trình có “đường lưỡi bò” thì Khoa đã thay thế loại giáo trình khác đưa vào giảng dạy.