Theo tin mới nhất liên quan đến diễn biến vụ học sinh ở Thuận Thành, Bắc Ninh nhiễm sán lợn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT, ông Ngũ Duy Anh cho biết đã yêu cầu Sở GD&ĐT Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
Địa phương sớm báo cáo việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng xuất hiện tại trường Mầm non Thanh Khương, Thuận Thành, khiến hàng chục học sinh có kết luận dương tính với sán lợn, Zing đưa tin.
Từ sự việc ở Bắc Ninh, ông Duy Anh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản gửi các Sở GD&ĐT vào tuần tới, yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
Trước những hoang mang của phụ huynh cho con ăn bán trú, Tuổi trẻ Online thông tin, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cũng trao đổi: Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và thời gian sử dụng.
Nhà trường phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy phép và có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cán bộ phụ trách trong các nhà trường phải quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn của học sinh, công khai thực đơn, đơn giá hằng ngày, chú trọng cải tiến các bữa ăn và phối hợp món ăn trong ngày cho hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng theo từng độ tuổi.
Trao đổi trên Kinh tế Đô thị, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho biết, nguyên nhân khiến các em bị nhiễm sán lợn có thể từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiễm từ bao giờ cũng không biết được. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh nguy hiểm, không cần cách ly nên phụ huynh cần bình tĩnh và nên cho con em đi học bình thường. Danh sách các cháu bị nhiễm sán lợn BV đã có và sẽ tư vấn cụ thể cho gia đình để điều trị cho các cháu.
“Việc điều trị có thể ngoại trú và với phác đồ điều trị hiện nay, việc diệt sán trưởng thành chỉ 1 ngày nhưng để tiêu diệt toàn bộ trứng thì phải mất 2 tuần. Bệnh nhân sẽ chỉ cần uống đủ thuốc trong vòng 15 ngày có thể tiêu diệt hết” – ông Nguyễn Văn Kính cho hay.
Cũng trong diễn biến học sinh ăn bán trú nhiễm sán lợn, chỉ riêng sáng ngày hôm nay, tính cả Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã có tới hơn 1.200 trẻ ở Bắc Ninh đến khám và xét nghiệm sán lợn.
Đây là con số lớn nhất trong lịch sử ngành Truyền nhiễm Việt Nam, theo Bnews.
Cuối tháng 2, một số phụ huynh trường Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường này. Tuy nhiên BGH nhà trả lời "vòng vo, không thỏa đáng".
Đơn vị cung cấp thực phẩm cho tất cả trường học trên địa bàn Thuận Thành, cho rằng thịt lợn "không có bất thường gì". Phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng nhà trường không có động thái cụ thể, tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.
Trưa 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối. Họ đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.
Chấn động là khi 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn.
Hôm qua (15/3), thêm 57 trẻ ở Bắc Ninh được bố mẹ đưa đến hai bệnh viện tại Hà Nội khám và có kết quả dương tính với sán lợn.
Theo Nguoiduatin