Gần đây, liên tiếp các vụ việc cô giáo cho học sinh tát bạn nhiều cái, khiến dư luận đặc biệt là các bậc phụ huynh hết sức quan tâm và lo ngại.
Vụ cô giáo cho học sinh tát bạn 231 cái ở Quảng Bình chưa hết bàng hoàng, thì cô giáo ở trường tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội lại mắc phải trường hợp tương tự khi cho học sinh tát bạn nhiều cái. Từ những sự việc liên tiếp, trùng hợp xảy ra như trên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, do ban Giám hiệu nhà trường không mạnh tay và xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” nên một số giáo viên không biết sợ.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học (bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Đây là cách giáo dục và xử lý tình huống trong giáo dục không hay, không tốt. Biết rằng, mỗi trường hợp, mỗi trường có cách giải quyết khác nhau nhưng dù như thế nào cũng phải làm cho thật thỏa đáng và đúng”.
Cũng theo đó Tiến sĩ cho rằng, sau khi sự việc xảy ra tại một trường nào đó, các trường thường xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” là có 2 nguyên nhân: Thứ nhất, do lãnh đạo các trường coi việc dạy học sinh bằng bạo lực là chuyện bình thường. Vì điều này đã khiến một số giáo viên không biết sợ.
Thứ hai là do bệnh thành tích, họ sợ mang tiếng cho nhà trường nên không dám công khai nhận trách nhiệm mà cố lấp liếm đi.
“Tại sao câu chuyện này lại lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn như vậy? Các nhà giáo dục, quản lý giáo dục cần suy nghĩ đến chuyện này. Các thầy cô giáo đó chắc hẳn họ không phải không biết những chuyện đau lòng kia, vậy tại sao họ vẫn làm, cần phải đặt câu hỏi.
Ngành giáo dục cần khắc phục chuyện đó bằng cách như thế nào vì chuyện dùng bạo lực dạy học sinh giờ trở thành chuyện khá phổ biến. Phải chăng, xử lý quá nhẹ tay nên một số giáo viên không thấy sợ, vẫn cứ làm như... thói quen”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến phân tích.
Chính vì thế, việc đào tạo giáo viên, công tác quản lý giáo viên, đưa ra đạo đức, bồi dưỡng giáo viên phải đặt lên hàng đầu, quan trọng bậc nhất. Và giáo viên cần thay đổi hướng tiếp cận với học trò của mình trên mọi phương diện.
H.A (TH)