“Sau khi đo vẽ, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, hôm qua (13/8), UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt ranh quy hoạch khu 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ đó, làm cơ sở để có phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân”, ông Nhã cho biết.
Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết thêm, tổ công tác về Thủ Thiêm đã tổ chức 2 đợt lấy ý kiến người dân. Trong đó, đợt 1 tiếp xúc lấy ý kiến của 321 hộ dân và đợt 2 tiếp xúc 331 hộ dân.
“Sau mỗi đợt tiếp xúc, tổ công tác tiếp thu các ý kiến của người dân để dự thảo chính sách bồi thường, hỗ trợ trình UBND TP. Sắp tới, UBND TP trình HĐND TP thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân trong khu 4,3ha. Khi đó tổ công tác sẽ tổ chức thực hiện”, đại diện UBND quận 2 nói.
Đánh giá về chính sách bồi thường cho các hộ dân khu vực 4,3ha bị ảnh hưởng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định: “Quá trình xác định 4,3ha phải dựa vào quy định của pháp luật, bản đồ hành chính từng thời điểm, tham khảo ý kiến của bộ Xây dựng, bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ và xin ý kiến của Thủ tướng”.
“Tổ công tác căn cứ vào 2 bản đồ, gồm bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/2000 thiết lập 1997 và bản đồ quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5000 lập năm 1995 để xác định ranh 4,3ha. Trong đó, tổ công tác thực hiện 3 bước.
Thứ nhất, số hóa và quy đồng các bản đồ về một tỉ lệ. Thứ hai, nắn chỉnh bản đồ theo một hệ tọa độ thống nhất (hệ tọa độ Việt Nam 2000 được đo vẽ 2003). Cuối cùng, biên tập bản đồ, chồng các bản đồ lên với nhau để xác định ranh khu vực 4,3ha”, ông Hoan trình bày.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết, trong quá trình xác định ranh giới 4,3ha, quan điểm của UBND TP được Ban thường vụ Thành ủy thống nhất. Theo đó, nếu đo đúng 4,3ha sẽ có một phần người dân ở mặt tiền đường bị thiệt thòi. Do vậy, TP xác định phần diện tích rộng hơn thành 4,39ha để xác định diện tích bồi thường của dân.
"Chúng tôi lấy tim của 3 con đường để xác định ra con số 4,39 ha. Quan điểm TP rõ ràng đó là không để người dân chịu thiệt thòi. Hiện nay về chính sách bồi thường, UBND Q.2, tổ công tác đã chuẩn bị, lấy ý kiến của 331 hộ dân để tạo ra sự đồng thuận. Hôm qua đã báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy, chuẩn bị kỳ họp HĐND, cuối tháng này thông qua chính sách bồi thường đầy đủ, đây là chính sách rất tốt, thể hiện áp dụng một hệ số quy đổi có lợi cho người dân”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, chủ trương của TP là phải quy đổi thế nào để người dân có được khoản đền bù đúng giá thực tiễn, giá bồi thường của ngày hôm nay, chứ không phải giá của 5 - 10 năm trước. Ngoài ra chính sách bồi thường phải đúng pháp luật, có cơ sở pháp luật, tìm cách có lợi cho dân chứ không thể dựa vào giá thị trường thả nổi. Tức là TP tính giá bồi thường cho người dân theo đơn giá của nhà nước nhưng đơn giá tái định cư, tức là quy đổi nền đất nền nhà cũng theo giá nhà nước. Cách triển khai hệ số quy đổi này sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người dân nhất.
Ngoài ra về số tiền hơn 26.000 tỷ đồng tạm ứng để đầu tư vào KĐTM Thủ Thiêm mà TTCP kết luận phải hoàn trả vào ngân sách, ông Võ Văn Hoan cho hay: TPHCM có 2 điểm sai khi ban hành hai quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư với tổng kinh phí hơn 38.000 tỷ. Thứ nhất, TPHCM không có thẩm quyền để ban hành.
Điểm sai thứ hai là 38.000 tỷ ban đầu đi vay ngân hàng nhưng bồi thường giải tỏa kéo dài, không theo kế hoạch nên thành phố phải trả lãi. Sau này, khi ngân sách có điều kiện, TPHCM mới tạm ứng 26.000 tỷ đồng.
“Tạm ứng mà không tất toán hàng năm là vi phạm Luật Ngân sách nhưng thực tế việc tạm ứng trên là để giảm tiền lãi vay. Vì vậy TTCP xác định TPHCM sai và về nguyên tắc phải thu hồi. TPHCM đã xin ý kiến đưa bồi thường giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập 38.000 tỷ đồng và nếu xác định số tiền này chi cho bồi thường giải tỏa tái định cư thì có thể tất toán được”, ông Hoan khẳng định.
Nói về chi phí đầu tư bình quân trên 1 m2 đất ở Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan nói, quá trình xác định kéo dài và năm 2011 đã xác định là từ 45 -50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, suốt thời gian dài không kêu gọi được nhà đầu tư nào nên lãnh đạo UBND TPHCM lúc đó xem xét lại theo hướng khấu trừ bớt những dự án đầu tư công như trường học, công viên (ngân sách lo), các dự án cầu đường kết nối Thủ Thiêm với các khu vực khác... để giảm chi phí đầu tư bình quân, làm cơ sở để xác định giá thuê đất, nộp tiền sử dụng đất…
Nhờ vậy mà TPHCM mới thu hút được nhà đầu tư. “Chúng tôi đang cùng Bộ Tài chính xem xét những dự án nào cần bỏ thêm vào, bỏ bớt ra. Cái gì trực tiếp với Thủ Thiêm thì đưa vào, còn kết nối, liên vùng thì bỏ ra. Chi phí đầu tư bình quân chỉ là chi phí ban đầu còn giá khởi điểm lệ thuộc chỉ tiêu quy hoạch, lợi thế thương mại,… Chúng tôi đang khẩn trương làm để đấu giá 55 lô đất thành phố đang quản lý để thu hồi dòng tiền”, ông Hoan cho hay.
Về việc cho doanh nghiệp (DN) “chiếm dụng” 1.800 tỷ đồng ngân sách, lãnh đạo UBND TPHCM giải thích là sai sót của thành phố. Khi DN đã triển khai xong dự án thì còn 1.800 tỷ trả ngân sách nhưng để DN “giữ giùm” như là khoản tiền gối đầu để tiếp tục thực hiện thêm một số đầu việc. “TTCP xác định thành phố sai và chúng tôi cũng thấy. Lẽ ra phải thu hồi về ngân sách”, ông Hoan nói.