Một quyết định nhiều lỗi
Diễn biến bất ngờ mới nhất liên quan đến vụ tranh chấp quyền lợi liên quan giữa các nhóm cổ đông doanh nghiệp này cho thấy, ngay trước khi diễn ra phiên tòa phía OGC và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sự việc đã có văn bản đề nghề hoãn phiên tòa và thay đổi thẩm phán xét xử vụ việc với lý do bà thẩm phán Trần Thị Tố Thu (Tòa án nhân dân quận Ba Đình) người được phân công thụ lý phán xử có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trong đơn phản ánh cho rằng, nguyên đơn trong vụ việc này là Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, chủ doanh nghiệp này là ông Hà Văn Thắm đã bị bắt giam thi hành án phạt tù Chung thân trong vụ án Ngân hàng Đại Dương và toàn bộ tài sản của DNTN Hà Bảo bao gồm cổ phiếu của OGC mà DN này đứng tên đang bị áp dụng biện pháp phong tỏa, xử lý để thi hành án của Hà Văn Thắm. Hơn nữa, vào thời điểm đại diện của doanh nghiệp Hà Bảo nộp đơn khởi kiện, doanh nghiệp Hà Bảo đã bị thu hồi giấy Đăng ký kinh doanh vì vậy tư cách khởi kiện của doanh nghiệp này là ‘không có’.
Theo hồ sơ mà phóng viên có được, không hiểu vì lý do gì trong văn bản mà thẩm phán Trần Thị Tố Thu ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời có khá nhiều lỗi. Cụ thể như, Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) số 114/2018/QĐ-BPKCTT ngày 03/10/2018 gửi cho hai doanh nghiệp cùng số, cùng ngày nhưng Thẩm phán Thu lại đưa ra hai căn cứ pháp luật khác nhau: Bản gửi cho doanh nghiệp Hà Bảo ghi căn cứ là “…Khoản 11, điều 114…”; bản gửi đến OGC ghi căn cứ là “…Khoản 12, điều 114…”.
Thêm vào đó, Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 114/2018/QĐ-BPKCTT ngày 03/10/2018 ghi rõ: “Cấm thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ số 02/2018/NQ-ĐHĐCĐ…” trong khi trên thực tế không có nghị quyết nào số 02/2018/NQ-ĐHĐCĐ mà Nghị quyết của ĐHĐCĐ ngày 15/8/2018 là số 002/2018/NQ-ĐHĐCĐ;
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 114/2018/QĐ-BPKCTT ngày 03/10/2018 trong bản gửi doanh nghiệp Hà Bảo ghi nơi nhận là ‘Đương sự” và “lưu hồ sơ” không có gửi cho OGC nên trong bản gửi OGC lại viết tay vào thêm gửi “OGC”.
Chuyên gia luật nói gì?
Theo ý kiến của một số luật gia, khi nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT, tòa án phải xem xét rất cẩn trọng thậm chí phải triệu tập Hội đồng thẩm phán lấy ý kiến đối với hình thức “Biện pháp khẩn cấp tạm thời” vô cùng nhạy cảm hoặc trả lại đơn khởi kiện để xác minh làm rõ nhưng TAND quận Ba Đình lại “nhiệt tình” thụ lý và Thẩm phán Trần Thị Tố Thu ngày 02/10 nhận đơn yêu cầu của Hà Bảo, sau 1 ngày lập đã ban hành Quyết định khẩn cấp này là ”rất nguy hiểm” nếu không có hết ý kiến các bên liên quan. Hồ sơ vụ việc cũng cho thấy, sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phía OGC ngay lập tức có đơn khiếu nại nhiều vấn đề vô lý trong Quyết định này và không lâu sau đó, buộc thẩm phán Thu và Chánh án Tòa Ba Đình phải thay thế bằng quyết định sửa đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời số 146/2018/QĐ-BPKCTT ký ngày 18/10/2018.
Cũng liên quan đến thẩm phán Thu, trước đó không lâu, Luật sư Chu Văn Tiến (VP Công ty TNHH Luật Trí Tuệ) cũng đã có đơn khiếu nại về việc ông tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có liên quan bên phía OGC song cũng không được nhận biên bản giao nhận theo đúng qui định.
Cùng sự việc, phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc này cũng cho rằng bà Thu đã không giải quyết thủ tục đăng ký luật sư cho ông Lê Quốc Đạt. Các điều này đều trái với quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. Các luật sư cho rằng, Thẩm phán Trần Thị Tố Thu đã không vô tư trong sáng, không khách quan, không giải quyết vụ án theo đúng trình tự quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về việc “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại điều 371 Bộ luật Hình sự 2015.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này từ ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp khác.
Theo Anninhtiente