Đường dây đánh bạc sử dụng công nghệ cao có sự liên kết của doanh nghiệp công nghệ số và lực lượng chức năng của bộ Công an mà trực tiếp là nguyên Thiếu tướng Cục trưởng C50 (cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) Nguyễn Thanh Hóa - người được giao trọng trách, bị phát hiện tạo tâm chấn dư luận.
Điều đáng buồn người đứng đầu cơ quan phòng chống xử lý tội phạm công nghệ cao lại bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc. Đường dây đánh bạc “ngàn tỷ” này có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Cuông (ĐBQH khóa 11, 12) cho rằng, việc khởi tố ông Nguyễn Thanh Hóa minh chứng cho nguy cơ chính những người bảo vệ pháp luật lại tiếp tay, “bảo kê” cho tội phạm là có.
PV: Tướng công an lại “bảo kê” cho tội phạm lộng hành. Ông Nguyễn Thanh Hóa phạm tội đã có pháp luật xử lý. Tuy nhiên, vụ việc này lại khiến dư luận, người dân không khỏi băn khoăn về tính liêm chính của cán bộ thực thi, bảo vệ pháp luật, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Lê Văn Cuông: Vị trí của ông Nguyễn Thanh Hóa là nơi mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy có thể ngăn chặn, phát hiện các loại tội phạm công nghệ cao, bảo vệ lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, chính ông ta lại tiếp tay cho loại tội phạm tung hoành, gây thiệt hại rất lớn. Điều này ít nhiều khiến dư luận hoài nghi về “thanh gươm” công lý bị giao nhầm người nắm giữ.
Đặc biệt là thời gian qua rất nhiều người dân chỉ vì một cú điện thoại nặc danh mà mất đến vài trăm triệu đồng là vốn liếng tích cóp cả đời thì câu chuyện của ông Hóa khiến người ta vô cùng bức xúc.
PV: Thực tế, ông Hóa có lẽ không phải trường hợp đầu tiên là người được giao trọng trách quan trọng nhưng lại “nhúng chàm”, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Đúng như vậy. Trường hợp ông Nguyễn Thanh Hóa không phải trường hợp đầu tiên là người trong cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng lại “nhúng chàm”, “bảo kê” tiếp tay cho tội phạm lộng hành trong chính lĩnh vực mình quản lý.
Chính vì thế, các nhà lãnh đạo đã đặt ra việc làm sao chống tiêu cực ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Đảng, Nhà nước đã nhận diện ra nguy cơ này từ lâu.
Cũng phải nói thêm rằng, việc người trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thi hành công vụ nhưng lại tha hóa, bảo kê cho sai phạm xảy ra ở nhiều ngành, ví dụ như hải quan, quản lý thị trường, viện, tòa... vẫn có. Một bộ phận thoái hóa biến chất này khiến cho công cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tội phạm không đạt được thành quả như mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Việc khởi tố ông Nguyễn Thanh Hóa chứng minh nguy cơ chính những người bảo vệ pháp luật lại tiếp tay, bảo kê cho tội phạm là có. Và chúng ta cần cảnh giác, tập trung nghiên cứu để có một thiết chế quản lý, giám sát quyền lực hiệu quả.
PV: Như ông nói ở trên, nguyên nhân khiến cán bộ “nhúng chàm” là do việc giám sát quyền lực chưa hiệu quả?
Ông Lê Văn Cuông: Những người giữ chức vụ, trọng trách quan trọng, ở vị trí cao đi kèm với đó là nguy cơ lạm quyền. Ở đâu có quyền lực ở đó phải có thiết chế giám sát để họ không bị tha hóa, lộng hành. Nếu không, họ có thể làm cho chúng ta bất ngờ và khi đổ vỡ sẽ là vô cùng nghiêm trọng.
Vụ việc của ông Nguyễn Thanh Hóa là chỉ dấu cảnh báo rằng mọi điều đều có thể xảy ra. Những tiêu cực, mua chuộc, dung túng có thể xảy ra bất cứ ở đâu, với bất cứ cá nhân nào, kể cả cấp cao chứ không chỉ với cán bộ bình thường. Vì thế, cần có sự cảnh giác, có thiết chế để giám sát, quản lý quyền lực hiệu quả, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Những chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư về vụ việc này cho thấy sẽ không có chuyện xử nhẹ hay cho qua với người có chức có quyền vi phạm. Người có chức có quyền cao mà vi phạm thì ảnh hưởng càng lớn và càng cần phải xử lý nghiêm. Và chắc chắn, không có chuyện nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm