Khoảng 7h10 ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn sinh con trai tại khoa sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội. Nhận con, vợ chồng anh băn khoăn không biết có bị trao nhầm con người khác hay không vì tã quấn bé (do gia đình chuẩn bị trước) bị nhầm nhưng bác sĩ phủ nhận.
Sau vài năm, anh Sơn thấy đứa trẻ ngày càng không giống mình. Cùng lúc, anh vô tình thấy ảnh con trai chị Vũ Thị Hương (trú cùng huyện Ba Vì) trên Facebook và ngay lập tức có linh cảm đây là "giọt máu" của mình vì khuôn mặt có nhiều nét tương đồng.
Đưa con của hai gia đình đi xét nghiệm ADN, anh Sơn bất ngờ nhận kết quả cho thấy hai đứa trẻ "đang sống nhầm nhà". Con trai chị Hương cùng huyết thống với vợ chồng anh và ngược lại.
Theo hồ sơ từ bệnh viện, sáng 1/11/2012 có hai sản phụ sinh cùng buổi sáng, cách nhau 20 phút là vợ anh Sơn và chị Hương. Hai bé trai chào đời, một bé nặng 3,1 kg, một bé 3,8 kg.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho biết, kíp ca trực đẻ hôm đó có một bác sĩ và hai hộ sinh. Trong phiên trực của kíp này có 6 ca sinh, nhưng từ 6h đến 7h30' ngày 1/11/2012 chỉ có vợ anh Sơn và chị Hương. Ông Vinh thừa nhận hai nữ hộ sinh không cẩn thận dẫn đến việc trao nhầm hai đứa trẻ sơ sinh.
Sáng 12/7, nói về hướng giải quyết trong sự việc trao nhầm con xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Vinh cho hay, hiện tại, ba bên là phía bệnh viện Đa khoa Ba Vì, gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thu Hương chưa ngồi được với nhau để thống nhất khoản bồi thường.
“Phía gia đình anh Sơn tương đối sốt ruột nhưng phía chị H. chưa sẵn sàng. Bệnh viện cũng gửi công văn cho tòa án thụ lý hồ sơ để thực hiện các bước theo quy định pháp luật, nếu không hòa giải được pháp luật sẽ can thiệp.
Hiện nay, mức đề nghị bồi thường chưa được gia đình đưa ra. Tổn thất này về mặt tinh thần không cân đo, đong đếm được nên cần hòa giải và thỏa thuận. Chính vì thế phải có sự đồng thuận ngồi với nhau và lớn nhất là đồng thuận về mặt tình cảm”, ông Vinh nói.
Nói về việc chậm trễ trong việc trao con, chị Hương cho biết đến mình còn "chưa thể chấp nhận sự thật nữa là hai trẻ". Chị không gây khó dễ song trao trả con vào thời điểm này là chưa hợp lý. "Tôi vì muốn tốt cho cả hai. Tôi muốn hai đứa dần dần nhận thức và thích nghi với sự thật để không bị quá sốc", chị nói.
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, tranh chấp đổi trả lại con thuộc nhóm “tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình”, theo khoản 8 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nếu không thống nhất được hướng giải quyết và một trong hai bên khởi kiện thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về tòa án.
Tuy nhiên, việc này không như các vụ án tranh chấp thông thường khác nên tòa án sẽ đóng vai trò trung gian để hai bên gia đình tự nguyện trao lại con cho nhau. Tòa án cũng có quyền dành cho các bên một khoảng thời gian nhất định để tự hòa giải, chuẩn bị tâm lý tốt hơn trong giải quyết. Nếu các bên không thống nhất được cách giải quyết, tòa sẽ xử theo quy định và buộc cưỡng chế thực hiện việc trao trả con về đúng bố mẹ đẻ chăm sóc.
Cũng nói về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho rằng nên lắng nghe hai cháu bé bị trao nhầm và nên thận trọng để tránh làm tổn thương hai đứa trẻ.
Theo ông Quang, khi em bé 6 tuổi thì Luật hôn nhân gia đình trong trường hợp cha mẹ ly dị cũng yêu cầu lắng nghe con xem ở với cha hay mẹ.
Trong vụ trao nhầm hai cháu bé, mỗi gia đình có phong cách sinh hoạt, lối sống khác nhau, nếu chuyển ngay cháu bé về sống ở gia đình cha mẹ đẻ, phân biệt đứa con huyết thống và con nuôi thì sẽ có nguy cơ làm tổn thương hai cháu bé.
"Nếu không thận trọng thì sẽ tổn thương cả 2 trẻ. Chuyên gia tâm lý tiếp xúc, nếu nói chuyện, cho hai cháu gặp nhau, gia đình nọ đến gia đình kia chơi và ngược lại, các gia đình hãy nghĩ là mình được 2 đứa con.
Còn nghĩ con này con đẻ, con kia không con đẻ các cháu sẽ cảm thấy sự phân biệt, sẽ tổn thương" - ông Quang chia sẻ.
Anh Đức (TH)