Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24/2 tuyên bố, thế giới cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chết người và cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch.
Phát biểu với phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cho biết, tới nay, WHO vẫn chưa coi sự bùng phát dịch Covid-19, khiến hơn 2.600 người tử vong, là một đại dịch, song các quốc gia cần "nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch" mà không nên "sợ hãi."
"Virus này có tiềm năng thành đại dịch hay không? Chắc chắn rồi. Chúng ta đã đến mức đó chưa? Từ đánh giá của chúng tôi thì vẫn chưa", ông chia sẻ tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 24/2.
Ông Tedros nói dịch bệnh tại Trung Quốc đạt đỉnh từ ngày 23/1-2/2. Kể từ đó, số ca nhiễm mới đã giảm dần.
"Virus này có thể được khống chế", ông cho biết đồng thời ca ngợi các nỗ lực của Trung Quốc giúp ngăn chặn dịch bệnh không lan rộng hơn.
Tuy nhiên, ông Tedros cũng bảy tỏ quan ngại sâu sắc về sự gia tăng đột ngột số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy, Iran và Hàn Quốc.
Tổng giám đốc WHO cho biết hiện có 2.074 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 28 quốc gia (không bao gồm Trung Quốc) và ghi nhận 23 trường hợp tử vong. Theo đó, WHO khuyến cáo mỗi quốc gia phải tự đánh giá tình hình theo bối cảnh của từng nước, và WHO cũng sẽ làm như vậy thông qua việc giám sát 24/24. ông nhấn mạnh cần thống nhất kiềm chế dịch bệnh.
Lãnh đạo WHO đánh giá Covid-19 hiện chỉ mới đạt mức dịch bệnh ở nhiều quốc gia khác nhau chứ chưa trở thành đại dịch. Ông cho rằng dịch bệnh ở mỗi nước đều có những điểm khác nhau và đòi hỏi những biện pháp ứng phó riêng.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng WHO đang tiến rất gần đến thông báo đại dịch toàn cầu, đặc biệt khi bệnh dịch đã lan đến quá nhiều nước và dường như không còn khả năng khống chế lây lan.
"Chúng ta cần thay đổi tư duy từ khống chế virus sang giảm thiểu rủi ro", Dirk Pfeiffer, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Hong Kong, đánh giá mục tiêu mới trong cuộc chiến với virus corona là giảm rủi ro từ virus đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nếu bệnh trở nặng, tương tự cách điều trị cúm thông thường.