Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Xác minh thông tin Quảng Bình xuất hiện 'vi khuẩn ăn thịt người'

Xác minh thông tin Quảng Bình xuất hiện 'vi khuẩn ăn thịt người'
Chiều 16/9, một số trang Facebook đăng tải việc xuất hiện vi khuẩn Whitmore trên địa bàn, Sở Thông tin và truyền thông Quảng Bình đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình nhằm xác định chủ sở hữu các trang Facebook trên.

Theo đó, chiều tối ngày 16/9, trên một số trang mạng đăng tải thông tin "Xuất hiện loại vi khuẩn ăn thịt người ở Quảng Bình". Những thông tin này khi đăng tải đã gây hoang mang dư luận, khiến rất nhiều người dân lo lắng, đặc biệt các gia đình có con nhỏ.

Trang Facebook QUẢNG BÌNH TV đăng tải nội dung: "Góc cảnh giác: Hôm nay tại bệnh viện Cu Ba Đồng Hới đã tiếp nhận ba ca trẻ em bị nhiểm vi khuẩn ăn thịt người. Nguồn tin chính xã từ các bác sỹ làm tại bệnh viện Cu Ba. Chia sẽ để mọi người chú ý, đặc biệt là trẻ em và những người làm việc tiếp xúc với bùn đất".

Xác minh thông tin Quảng Bình xuất hiện 'vi khuẩn ăn thịt người'
Thông tin Quảng Bình xuất hiện "vi khuẩn ăn thịt người" chỉ là tin đồn thất thiêt.

Hay một Facebook cá nhân chia sẽ: " Cu Ba mình vừa có ba ca nhiểm vi khẩn ăn thịt người rồi mọi người ơi. Cảnh giác nhé". Chỉ ít phút sau khi chủ nhân của tài khoản Facebook này đăng tải, đã lập tức nhận được sự thu hút đông đảo của cộng đồng mạng với hàng trăm lượt like và .

Xác minh thông tin Quảng Bình xuất hiện 'vi khuẩn ăn thịt người'
Những thông tin thất thiệt này khiến dư luận vô cùng hoang mang lo lắng.

Bên cạnh đó, nhiều người đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, bày tỏ sự hoang mang, lo lắng khi có thông tin căn bệnh này xuất hiện ở Quảng Bình: “Các mẹ ơi, bệnh này đã lan đến Quảng Bình rồi sao, chúng ta phải trông coi con trẻ cẩn thận nha”, một tài khoản Facebook tỏ rõ sự lo lắng.

Trước sự việc trên, sáng ngày 17/9, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, phụ trách khoa vi sinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới (Quảng Bình), khẳng định: Trong thời gian vừa qua, tại bệnh viện không có trường hợp nào được cho là nhiễm vi khuẩn Whitmore "vi khuẩn ăn thịt người" như những thông tin Facebook cá nhân tại Quảng Bình đã đăng tải.

Cùng vấn đề trên, ngày 17/9, Sở Y tế Quảng Bình đã có công văn khẳng định những tin đồn thất thiệt về sự xuất hiện của vi khuẩn Whitmore "vi khuẩn ăn thịt người" tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới.

Xác minh thông tin Quảng Bình xuất hiện 'vi khuẩn ăn thịt người'
Nữ bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore "ăn" cánh mũi.

Ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, khẳng định: Hiện tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hoàn toàn không tiếp nhận, điều trị ca bệnh nào được cho là nhiễm vi khuẩn Whitmore như dư luận đang đồn thổi.

Ngành y tế Quảng Bình đang chỉ đạo cơ sở y tế xã phường, thôn, bản… trên toàn tỉnh tuyên truyền cho nhân dân nhằm tránh những tin đồn thất thiệt gây nhiều hậu quả đối với xã hội.

Liên tiếp xuất hiện thông tin có một số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore “ăn thịt người”, khiến dư luận hoang mang. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên khoa Nhiễm-Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã thông tin thêm về căn bệnh này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, vi khuẩn Whitmore không phải là bệnh lây từ người sang người, nên không thể có tác hại nặng. Vi khuẩn Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) mà người dân thắc mắc và hoang mang thời gian qua là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

“Bệnh này không phải mới được phát hiện gần đây mà đã được ghi nhận từ lâu. Cơ chế lây bệnh của loại vi khuẩn này là từ đất, từ nước bẩn.

Bệnh có biểu hiện như sốt, co giật, sốt kéo dài, viêm phổi kéo dài,… Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính, vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Cái chính ở đây là bác sĩ, nhân viên y tế phải biết căn bệnh này để phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, nếu chẩn đoán nhầm thì khó khỏi. Nên không phải là gánh nặng ghê gớm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh nhân bị mắc bệnh này không thể điều trị tại nhà, thời gian để điều trị căn bệnh này khá lâu: “Phải điều trị vi khuẩn tấn công 2-3 tuần, sau đó còn phải uống thuốc duy trì tránh tái phát từ 3-6 tháng, phương pháp điều trị rất chuyên biệt, nên người làm y tế cần phải biết bệnh này để chẩn đoán đúng”.

Để phòng ngừa căn bệnh này, bác sĩ Khanh cho hay, người dân khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch phải có găng, ủng bảo vệ. Bên cạnh đó, phải rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39547 sec| 646.063 kb