Gửi những chiếc xe đạp han gỉ,
Hà Nội bắt đầu thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường bao gồm đại học Công nghiệp Hà Nội, đại học Điện lực, đại học Thương mại và cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Thời điểm đó, chúng tôi khấp khởi vì Hà Nội sẽ bớt khói của xe cơ giới, sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và Hà Nội sẽ dần xanh - sạch - đẹp.
Kỳ vọng là vậy nhưng thực tế các điểm cho thuê xe đạp chỉ “sống” được thời gian cực ngắn. Lý do thì có nhiều nhưng chung quy lại là do ế khách và thiếu nguồn lực để duy trì. Dãy dài xe đạp xếp chỏng chơ trong góc khuất sân trường đại học Công nghiệp. Ba địa chỉ còn lại không còn dấu tích của dịch vụ này.
Khỏi phải nói đến tác dụng của xe đạp công cộng trong một thành phố đông dân, kẹt đường liên miên như Hà Nội. Chẳng riêng gì sinh viên, người dân cũng mơ ước được đạp xe trên các con phố.
Có điều, nó phải thật sự phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt của số đông. Phải có sự đồng bộ từ bãi gửi xe, trạm xe buýt. Việc thiếu hệ thống bãi gửi xe, dẫn đến tình trạng bất cập, không thuận tiện cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, khâu tuyên truyền cũng không chú trọng, đối tượng thuê không có ý định gắn bó thường xuyên với phương tiện khiến lượng lớn xe đạp bị xếp xó, han gỉ, lãng phí.
Tại Trung Quốc, dịch vụ xe đạp công cộng có giá thuê vô cùng rẻ - chỉ khoảng 0,15 USD/giờ (tương đương 3.000 đồng). Ai cũng có thể dễ dàng thuê một chiếc xe đạp bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu.
Tuy nhiên, sau khi dùng xong, người ta bỏ lại xe đạp ở bất cứ nơi đâu thấy tiện. Kẻ trộm cứ vô tư lấy xe đạp rồi bán phụ tùng khiến giao thông lộn xộn bát nháo, đâu cũng thấy "xác" xe đạp bị vứt lại, thành phố không khác gì bãi rác. Cuối cùng, chính quyền thành phố đó phải đưa ra lệnh cấm xe đạp công cộng.
Trong điều kiện môi trường sống đang bị đe dọa, cả thế giới đã và đang tìm mọi cách để giảm khí thải ô nhiễm từ ô tô, xe máy, người dân nên sử dụng xe đạp.
Mỗi người chúng ta, ngay từ bây giờ, hãy từ bỏ thói quen, đi một đoạn cũng nhảy lên xe hơi, xe máy. Nhanh 1 chút, nhưng hành động ấy đang góp phần hủy hoại môi trường. Và hệ lụy chính con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu.
Từ chuyện “hàng xóm”, soi vào mình, có lẽ cần phải nhìn lại tính khả thi của dịch vụ xe đạp công cộng. Đề án thuê xe đạp tại thành phố đông dân là hợp lý, văn minh. Có điều, việc tổ chức thực hiện, sự đồng bộ, thuận tiện trong hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt nhận thức của người dân cần được nâng cao thông qua việc tuyên truyền tính ưu việt của mô hình này. Có như vậy mới đảm bảo cho xe đạp có đất sống. Và lúc ấy, chắc chắn những chiếc xe đạp sẽ không còn bị "ngược đãi" đến mức èo uột thảm bại như vậy.
Minh Ngọc