Ngày 19/4, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử đường dây mua bán “logo xe vua” do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (SN 1976) và Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982) cầm đầu về các tội Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ.
Thới, Vân và 8 bị cáo liên quan là Trần Quốc Thái (SN 1971), Mai Vân Thái Em (SN 1979), Huỳnh Tấn Thắng (SN 1983), Nguyễn Văn Phúc (SN 1967), Trần Trọng Nhân (SN 1988), Nguyễn Minh Thiên (SN 1988) và Nguyễn Mai Hữu Nhân (SN 1990, cùng ngụ TP.HCM) cùng bị xét xử về tội danh Đưa hối lộ.
Liên quan vụ án, Nguyễn Cảnh Chân (SN 1973, cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị cáo buộc tội Môi giới hối lộ.
Là người đầu tiên bị xét hỏi, Thới chỉ thừa nhận đã in logo bán cho các tài xế, không có chuyện thỏa thuận với CSGT để đưa hối lộ. Ngoài Chân ra, bị cáo không quen biết ai. Việc nhờ người đi canh CSGT có mặt trên đường hay không là để báo cho chủ xe mua logo biết mà né tránh.
Giải thích về việc thay đổi lời khai so với giai đoạn điều tra, trùm "logo xe vua" nói do bị điều tra viên dùng nhục hình nên tâm trí hoảng loạn, khai không đúng. Thới cũng bác bỏ cáo buộc đã bán logo cho 15.000 lượt xe thu lợi gần 23 tỷ đồng, mà chỉ bán cho khoảng 500-600 xe.
Bị cáo Thới thừa nhận mình in logo Gara Thành Đô và 68 để bán cho các lái xe nhằm thu lợi. Một số lần có nhờ Chân đi nộp phạt giúp chứ không biết Chân là CSGT tỉnh Đồng Nai.
Để làm rõ lời khai của Thới có chính xác hay không, HĐXX lập tức cho gọi bị cáo Chân đứng lên để đối chất. Bị cáo Chân nói lời khai của Thới là không đúng. Những xe dán logo Garage Thành Đô là đã được "gửi" lực lượng chức năng hàng tháng.
Chân thừa nhận đã giới thiệu Thới gặp Sơn (Đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) để thỏa thuận việc nhờ bảo kê. "Sau đó Thới đưa tiền để bị cáo chuyển cho anh Sơn. Về sau là đưa cho anh Tuyến (Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai). Bị cáo nói với anh Tuyến rằng mối này trước là của anh Sơn, và anh Tuyến đồng ý", Chân khai.
Bị cáo cũng thừa nhận Thới đã chuyển cho mình 600 triệu đồng để đưa cho ông Tuyến, nhưng đã giữ lại 300 triệu đồng để tiêu xài. Tại cơ quan điều tra, bị cáo chưa được cho nhận diện ông Tuyến qua ảnh, cũng như đối chất. "VKS truy tố bị cáo về tội Làm môi giới hối lộ là hoàn toàn đúng", Chân nói.
Đánh giá đây là tình tiết quan trọng, chủ tọa yêu cầu thư ký lưu ý trong biên bản phiên tòa.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, HĐXX cũng cho xét hỏi bị cáo Vân (1 trong 2 bị cáo được xác định đầu vụ). Bị cáo Vân thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết, tuy nhiên có một điểm chưa chính xác, đó là số lượng “logo xe vua” được bán ra.
Bị cáo Vân trình bày: “Từ tháng 5 đến tháng 8/2015, bị cáo bán được khoảng 800 logo có in chữ “xe chở hàng” cho các lái xe, thu khoảng 2 tỷ đồng, không có con số 7 tỷ như cáo trạng quy kết. Khi bị bắt thì bị cáo bị bức cung nhục hình nên hoảng loạn mới thừa nhận hành vi”.
Bị cáo Vân nói, mình làm trong ngành vận tải và nhiều lần bị CSGT xử lý, từ đó, Vân nghĩ ra việc in “logo xe vua” trước là cho mình, sau bán lại cho nhiều xe khác. Bị cáo Vân cũng thừa nhận có quen biết TTGT đội 7, đội 8, còn CSGT thì Vân cho rằng nhờ qua điện thoại nên không nhớ là ai.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra có cho Vân nhận diện qua ảnh, và Vân nhận diện được một số người. Tuy nhiên Vân cho rằng, đây là những người xử phạt Vân bị vi phạm chứ không phải nhận diện được người nhận tiền.
Theo hồ sơ, đây là vụ án mua bán “logo xe vua” do Thới, Vân cầm đầu. 2 bị cáo này liên kết với 80 CSGT, TTGT để bảo kê xe vi phạm, quá tải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Đường dây bán “logo xe vua” này đã bán cho khoảng 15.000 lượt ô tô, thu lợi bất chính gần 23 tỷ đồng. Trong số tiền thu lợi bất chính này, Thới, Vân và các đồng phạm khai đã đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT, TTGT của các tỉnh, thành kể trên.
Tâm An (TH)