Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Xử lý tài sản trùm ma túy Lóng Luông bí mật tẩu tán cho người thân

Xử lý tài sản trùm ma túy Lóng Luông bí mật tẩu tán cho người thân
Trong 2 tháng bị công an phong tỏa, trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận và đám đệ tử sống bằng lương thực dự trữ song vẫn bí mật tẩu tán tiền qua ngân hàng cho người thân.

Bí mật tẩu tán tài sản trước khi bị tiêu diệt

Trong buổi họp báo tại trụ sở Công an tỉnh Sơn La sáng 3/7, Đại tá Phùng Tiến Triển - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, công an tỉnh triệt phá thành công chuyên án đấu tranh tội phạm ma túy mang bí số 18TN đối với Nguyễn Thanh Tuân và chuyên án bí số 19TN đối với Nguyễn Văn Thuận.

Nguyễn Thanh Tuân (35 tuổi, quê tại thôn Lặt, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội) có 4 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép quân dụng. Cụ thể, 2 lệnh của cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C47), một lệnh truy nã của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, một lệnh truy nã của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La.

Nguyễn Văn Thuận (34 tuổi, quê xã Liên Cầu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) có 2 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có một lệnh truy nã của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, một lệnh truy nã của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La. Tuân và Thuận là các mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán, chuyển trái phép ma túy số lượng rất lớn (trên 2.700 bánh heroin) đã bị bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh xử lý năm 2012-2013.

Đại tá Phùng Tiến Triển cho rằng, 2 ông trùm lường trước việc bị bao vây nên đã chuẩn bị nhiều vũ khí, vật dụng để chống đối. Khám nhà chúng, cảnh sát thu gần 40 bình gas, khoảng 200 lít xăng, gom được nhiều lựu đạn găm rải rác khắp nhà, 49 khẩu súng và nhiều chiếc còn mới nguyên.

Theo Đại tá Phùng Tiến Triển, công an còn ít khi lắp ống tê-lê để bắn tỉa nhưng hai trùm ma túy đã chuẩn bị tới 31 ống ngắm. Trong thời gian bị phong tỏa, Tuân và Thuận đã chủ động không cho kẻ nào chuyển ma tuý cho mình để tránh bị phát hiện, thu giữ rồi mất trắng. Tuân cho đệ tử chuyển đồ đạc tài sản cho gia đình mình, bí mật chuyển tiền cho vợ và gia đình. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhưng không can thiệp được vì liên quan đến ngân hàng.

Xử lý tài sản trùm ma túy Lóng Luông bí mật tẩu tán cho người thân
Chiếc két sắt được cảnh sát phát hiện trong nhà ông trùm Nguyễn Thanh Tuân.

Cơ quan công an thu giữ 49 khẩu súng các loại (AK, AR15, Sămplêch, K54, K59, Colt...; có một số khẩu bị cháy); 17 quả lựu đạn; hơn 7.000 viên đạn các loại (chủ yếu đạn AK), 31 hộp tiếp đạn (có đạn), 29 ống giảm thanh, ống ngắm súng; 3 ống nhòm; 11 căn xăng, dầu loại 20-30 lít; 23 bình gas loại 13kg, bộ máy ép thủy lực; hai ô tô, khoảng 25m3 gỗ sến, bách cùng nhiều tang vật khác...

Sau khi khám nghiệm tử thi, gia đình các đối tượng bị chết có đơn đề nghị, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã bàn giao người chết cho gia đình mai táng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật và chống người thi hành công vụ để điều tra mở rộng theo quy định của pháp luật.

Tịch thu tài sản, sung công quỹ Nhà nước

Dư luận đặt ra câu hỏi, số tài sản trùm ma túy Lóng Luông tẩu tán cho người thân trong gia đình sẽ bị xử lý thế nào? Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Nguyễn Văn Hùng, công ty Luật TNHH Poseidon Lawfirm, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, cơ quan công an cần xác minh nguồn gốc số tài sản mà các ông trùm ma túy bí mật tẩu tán cho gia đình.

Luật sư Hùng chỉ ra 2 trường hợp. Thứ nhất, nếu số tiền và tài sản của 2 ông trùm gửi về cho gia đình do phạm tội, buôn bán ma túy mà có thì sẽ bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước, sung công quỹ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 46; Khoản 1, Điều 47, Bộ luật Hình sự 2015 theo quy định về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.

Điều 45, Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách Nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Trường hợp, có căn cứ cho rằng tiền và tài sản mà ông trùm đưa cho gia đình có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp các cơ quan chức năng không thể tịch thu.

Đối với các loại tang vật, tài sản của vụ án, luật sư Hùng cho rằng, sẽ được đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật bởi đây là những vật chứng của vụ án. Điều 89, Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo luật sư Hùng, việc tịch thu sung công quỹ nộp vào ngân sách Nhà nước hay tiêu hủy tang vật do phạm tội mà có do các cơ quan có thẩm quyền quyết định ở các giai đoạn khác nhau theo quy định tại Điều 106, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Cụ thể, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Việt Hương

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26074 sec| 647.266 kb