PV: Ông nghĩ sao về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay, đặc biệt là việc dạy thêm trái quy định, mở nhiều trung tâm dạy thêm tràn lan?
Ông Phạm Tất Dong: Có 2 cách hiểu về học thêm.
Khái niệm thứ nhất, khiến dư luận kêu ca, phản ánh là việc giáo viên dạy không đủ bài học trên lớp rồi bắt học sinh phải đi học thêm. Có học thêm thì mới biết được trong kỳ thi, trong bài kiểm tra sẽ có những gì để không bị điểm kém.
Nếu không học thì sẽ không qua. Đây là việc làm hoàn toàn không thể chấp nhận, nhiệm vụ của giáo viên là phải giúp học sinh hiểu bài, giải quyết mọi khúc mặc ngay trên lớp. Tôi xem đó là một thủ đoạn lấy tiền học sinh.
Hay là, trước đây các kỳ thi bao giờ cũng rất khó, buộc phải học thêm mới qua được. Đây cũng là một cách lấy tiền, vì thi phải thi phù hợp với chương trình học. Học sinh phổ thông chỉ được cung cấp và yêu cầu về kiến thức ở mức cơ bản, ra đề quá khó so với chương trình là không được. Khi nào thi đúng như sách giáo khoa, đúng bài giảng, như thế không cần phải học thêm.
Khái niệm thứ hai, học thêm là để mở mang, tăng cường, bổ sung kiến thức. Biết được, học hỏi được nhiều điều có giá trị trong cuộc sống, tôi rất ủng hộ. Ví dụ nghỉ hè, phụ huynh muốn cho con hiểu thêm về nhiều khía cạnh của đời sống, được trải nghiệm nhiều hơn, rèn luyện kỹ năng sinh tồn, hay phát triển đam mê thì sẽ cho con tham gia các lớp học kỹ năng, chương trình ngoại khóa, sinh hoạt hay các lớp học năng khiếu mà con yêu thích, có hứng thú... Học thêm như thế là rất tốt, cực kỳ có ích.
Có một thực trạng hiện nay, học sinh tiểu học được cho là đang phải gánh một lịch học quá nặng so với lứa tuổi? Theo ông, có nên học thêm ở cấp tiểu học?
Vậy thì còn tùy thuộc vào học thêm nằm ở khái niệm nào tôi đã đưa ra. Nếu ngoài giờ học mà học sinh thích học thêm cái gì, nó cảm thấy hào hứng muốn đi học thì nên. Con sau giờ học chính khóa ở trường lại vội vàng đến lớp học thêm với một sự chán nản, ép buộc thì không hay.
Đến lớp học thêm cùng với những vấn đề đã học rồi, đã được nói trên lớp rồi thì cũng không mang lại hiểu quả gì.
Hãy biết cách hướng dẫn, huy động tính ham học của trẻ con, để nó sẽ tự học, tự mày mò, tự muốn học như thế sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn là ép buộc.
Như vậy, học thêm có thể xem là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và cả học sinh. Nhưng khá nhiều quan điểm cho rằng nên cấm dạy thêm dưới mọi hình thức. Ông nghĩ sao?
Không nên cấm, mà nên quy định rõ ràng không được dạy thêm cái gì. Người ta có nhu cầu thì không thể cấm được. Không học chỗ này lại học nơi khác, nhà trường không đáp ứng được yêu cầu, họ cho con học thêm bên ngoài, đó là điều hiển nhiên. Vì thế, cần làm rõ dạy thêm thế nào là sai, thế nào là cần.
Tôi ủng hộ những học sinh ham học, tạo ra được không khí ham học, phát huy những hết năng lực chưa được bộc phát ra. Rất nhiều người học toán, học văn ra lại trở thành nhạc sĩ, họa sĩ,....như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhạc sĩ Phó Đức Phương đều nổi tiếng trong lĩnh vực mà họ không theo học.
Phải giương cao ngọn cờ hiếu học, tự học mới được lâu dài và mang lại kết quả tích cực.
Mới đây, bộ GD&ĐT vừa đưa ra bản dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là xử phạt trong dạy thêm. Ông thấy các chế tài xử phạt này có hợp lý? Mức xử phạt như vậy liệu đã đủ tính răn đe để xử lý được tận gốc?
Nhà trường có văn hóa của nhà trường, điều đó giúp học sinh học tập tốt, ứng xử tốt. Ứng xử trong việc tôn trọng, lễ nghĩa với giáo viên. Nếu cái gì không đúng với văn hóa phải chấn chỉnh. Vì thế việc xử phạt hành chính là không được. Giáo viên không trộm cắp, trốn thuế,...đưa ra hình phạt như thế sẽ khiến học sinh có cái nhìn tiêu cực về giáo viên, mất đi sự “tôn sư trọng đạo”. Học sinh nhìn thầy của mình vì đi dạy mà bị phạt tiền, chúng sẽ nhìn nhận như thế nào?
Nên đưa ra được những hình thức hợp lý, phân minh, rõ ràng, bảo vệ được nhân phẩm, giá trị của nghề giáo. Việc gì cần xử lý công khai, việc gì cần giải quyết nội bộ? Muốn như thế phải nghe nhiều tai, nhìn nhiều hướng, đánh giá đúng vấn đề.
Xử phạt hành chính không phải là một cách hay, và tôi nghĩ nó cũng sẽ không mang lại kết quả quá khả quan.
Vậy theo ông, để việc chống tiêu cực trong dạy thêm học thêm hiệu quả, bây giờ cần phải làm những gì?
Từng địa phương, từng trường học sẽ có những quy định riêng, cụ thể, phù hợp với từng địa bàn nhất định, tất nhiên là dựa trên một khung quy định chung. Ví dụ như giáo viên ở những vùng dân tộc thiểu số người ta phải nỗ lực, phải vân động mới có học sinh, nên cách ứng xử sẽ khác.
Một số nơi có dân cư phức tạp, cộng đồng phụ huynh không đơn giản, thì phải làm sao để thống nhất, liên kết được phụ huynh cũng tham gia để quản lí nhà trường, quản lí con cái mình.
Chỉ cần hiểu rõ học thêm ở 2 khía cạnh: một cái là bị ép, một cái để biết thêm, rồi điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của học sinh. Từ đó mỗi trường học, địa phương đưa ra được những hình thức kỉ luât, khen thưởng, chê trách hay tuyên dương một cách hợp lí.
Trách nhiệm của những người làm giáo dục trong vấn đề này như thế nào? Có nên giảm tải chương trình học?
Chương trình học của chúng ta hiện nay có mặt nặng, mặt nhẹ. Trong chương trình giáo dục phổ thông đã được Quốc hội thông qua còn rất nhiều sạn. Nhiều cái học không để làm gì, nhiều cái cần học lại không được đưa vào.
Ví dụ như học sinh cấp II, không cần thiết phải biết giá trị nghệ thuật của Đông Nam Á trong tranh vẽ, nếu thích sau này được định hướng chúng sẽ tự tìm hiểu hoặc đi theo. Đồng thời năng lực người dạy chưa đáp ứng được với yêu cầu gây ra sự mất cân bằng.
Vì thế, đòi hỏi người soạn chương trình cần có năng lực, đáp ứng được yêu cầu của thực tế giáo dục hiện nay cái gì cần, cái gì không. Cái sai của chúng ta là dạy học cực kỳ khuôn mẫu, bắt học sinh vô đúng cái khuôn sẵn có, phải nói, phả viết, phỉ nghĩ theo thầy mới là đúng.
Muốn làm giáo dục tốt thì phải thay đổi tư duy ngay từ bây giờ, phải để học sinh được tự do thể hiện, tự do sáng tạo, không được giới hạn chúng trong một phạm vi nào. Có như vậy, mới đào tạo ra được một nguồn nhân lực trẻ là tương lai của đất nước.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nguyệt Tú