VTC News dẫn thông tin từ TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, cha mẹ cần lưu ý các mốc thời gian sau tiêm gồm 30 phút tại điểm tiêm chủng, 24 tiếng sau tiêm, 3 ngày sau tiêm, 1 tuần và 28 ngày sau tiêm.
Trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, cha mẹ chú ý không để con vận động mạnh, các hoạt động gắng sức hay chơi thể dục thể thao. Sau tiêm vaccine, phụ huynh cần đo nhiệt độ cho trẻ 4-6 tiếng/lần.
Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, cha mẹ cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Trong trường hợp trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên, cha mẹ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu thấy trẻ sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, cha mẹ tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Cha mẹ không nên để trẻ ngủ một mình, chú ý tới trẻ khi bé ở trong phòng vệ sinh hay phòng riêng quá lâu.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của bộ Y tế, cha mẹ cần đưa trẻ tới viện ngay nếu thấy xuất hiện một trong những dấu hiệu sau:
- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi
- Da phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da
- Họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó
- Về thần kinh: Có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật
- Về tim mạch: Có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất
- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy
- Đường hô hấp dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái
- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường
- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn
- Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
- Vị trí tiêm thường sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ nên cần tiếp tục theo dõi, sưng to nhanh thì đi khám ngay.
Được biết, loại vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được sử dụng cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna, tiêm các liều cơ bản cùng loại vaccine.
Tuổi Trẻ dẫn lời ThS.BS Nguyễn Hiền Minh – Phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, với vaccine Pfizer, trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi sau tiêm thường gặp các phản ứng như mệt mỏi, đau đầu, tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm, đau cơ, ớn lạnh, sốt.
Trong khi đó, nếu tiêm vaccine Moderna, trẻ thường đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn/nôn mửa, sưng/đau ở nách, sốt, ban đỏ tại vị trí tiêm, sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.
Sau khi tiêm vaccine, cha mẹ nên cho con uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu của trẻ, mặc đồ thoáng mát rộng rãi, tránh để trẻ bị cảm lạnh, hạn chế vận động chạy nhảy quá sức trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm.
Bác sĩ Minh lưu ý cha mẹ không đắp lá cây hoặc bôi thuốc lạ lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sưng đau nhiều hay sốt, cha mẹ cho con uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ, 3-4 lần/ngày.
Cha mẹ, người lớn trong gia đình và ở trường cần dặn dò trẻ phải báo ngay nếu thấy có dấu hiệu bất thường. Trẻ nên ăn uống ở nhà để phòng tình trạng ngộ độc thức ăn bên ngoài, không cần kiêng tắm rửa hoặc kiêng thức ăn gì, trừ những thức ăn đã làm trẻ dị ứng trước đây.
Theo Đời sống và Pháp luật
Link nguồn: https://www.doisongphapluat.com/tiem-vaccine-ngua-covid-19-cho-tre-tu-5-duoi-12-tuoi-khi-nao-can-dua-be-den-vien-a534753.html