Mới đây một công dân đã gửi câu hỏi công an trình bày băn khoăn về việc sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử có bị kiểm soát hoạt động cá nhân không?
"Tôi được biết, dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) của Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được triển khai đồng bộ, song hành cùng dự án Dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có thay thế mẫu thẻ CCCD có mã vạch sang thẻ có gắn chíp điện tử. Bộ Công an cho tôi hỏi, chíp điện tử được gắn trên thẻ CCCD liệu có thể kiểm soát các hoạt động của từng cá nhân hay không? ", một công dân đặt câu hỏi.
Trả lời cho câu hỏi trên, bộ Công an cho hay, việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.
Bộ Công an khẳng định chíp được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Cũng theo bộ Công an, chíp sử dụng trên thẻ Căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.
Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
Khi đề xuất sử dụng Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Căn cước công dân, là cơ sở để lực lượng Công an khẩn trương triển khai thực hiện song song cùng với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an cho hay, điểm nổi bật của dự án Căn cước công dân là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay, dự kiến ngày 1/11/2020, bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc.
Sử dụng thẻ chíp điện tử đảm bảo tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng. Căn cước công dân mới được thiết kế mở có thể tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại trong tương lai.
Lãnh đạo bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải hoàn thành việc cấp khoảng 50 triệu thẻ Căn cước công dân trước ngày 1/7/2021.