Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Các vụ án thao túng thị trường chứng khoán được làm rõ trong năm 2024

Các vụ án thao túng thị trường chứng khoán được làm rõ trong năm 2024
Năm 2024, nhiều vụ án liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử nhằm bảo vệ các nhà đầu tư, đảm bảo an toàn cho thị trường chứng khoán.

Vụ án cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Ngày 22/7/2024, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và 49 trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

Các vụ án thao túng thị trường chứng khoán được làm rõ trong năm 2024
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. Ảnh: VGP.

Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), căn cứ lời khai của các bị cáo, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định bị cáo Quyết và các đồng phạm có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán. Sau đó Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Trước đó, từ năm 2017-2022, Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái) cùng nhiều cấp dưới mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Các hành vi trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả, thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên, thu lợi bất chính khoảng 700 tỷ đồng. Do hành vi thao túng mã AMD diễn ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành nên số tiền các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi thao túng 4 mã HAI, GAB, ART, FLC là hơn 684 tỷ đồng. Tòa án xác định, bị cáo Trịnh Văn Quyết giữ vai trò chủ mưu, là người quyết định mục đích sử dụng số tiền chiếm đoạt được.

Sau nhiều ngày nghị án, tòa tuyên phạt bị cáo Quyết mức án 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt là 21 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư hơn 1.366 tỷ đồng, truy nộp số tiền 500 tỷ đồng hưởng lợi từ hành vi thao túng chứng khoán. Được biết, gia đình bị cáo đã dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả và xác nhận đã nộp 264 tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhận mức án 11 năm 6 tháng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 30 tháng tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt 14 năm tù và phải khắc phục 251 tỷ đồng.

Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 20 tháng cho hưởng án treo đến 11 năm tù về các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thao túng thị trường chứng khoán; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhóm bị cáo phạm tội liên quan đến chứng khoán bị cấm hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán 1 năm.

Loạt lãnh đạo Công ty Chứng khoán Thái Bình Dương bị bắt

Hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội vẫn đang tiếp tục điều tra vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần (CTCP) chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 30/QĐ-ANĐT ngày 22/6/2023 của Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội.

Các cá nhân bị khởi tố gồm: Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc APS, Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng), Phạm Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị APS, Nguyễn Thị Thanh – Kế toán trưởng APS, Phạm Thị Đức Việt - Phó phòng dịch vụ khách hàng APS.

Các vụ án thao túng thị trường chứng khoán được làm rõ trong năm 2024
Bị can Nguyễn Đỗ Lăng và Huỳnh Thị Mai Dung. Ảnh: Công an cung cấp.

Quá trình điều tra xác định, từ ngày 4/5/2021 đến ngày 31/12/2021, các đã chỉ đạo nhân viên sử dụng các tài khoản chứng khoán đứng tên người khác để thực hiện hành vi Thao túng thị trường chứng khoán liên quan đến 3 mã cổ phiếu API, APS, IDJ để thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Trước đó, qua công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của thị trường chứng khoán, ngày 12/6/2022, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) có Công văn đề nghị Công an TP.Hà Nội làm rõ hành vi của nhóm tài khoản mở tại Công ty cổ phần Chứng khoán APS thông đồng với nhau, giao dịch trong giai đoạn từ ngày 4/5/2021 đến ngày 31/12/2021, có dấu hiệu tác động đến diễn biến giá của cổ phiếu API, APS và IDJ. Điều này khiến 3 cổ phiếu trên có biến động giá bất thường và giống nhau khi đều tăng giá 3-5 lần, có dấu hiệu “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Vụ án tại Louis Holdings

Ngày 12/5/2023, TAND TP.Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với bị cáo Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Louis Holdings cùng 7 đồng phạm trong vụ thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Công ty Louis Holdings và các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, bị cáo Nhân đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nên đến ngày 9/1/2024, tòa phúc thẩm mới đưa ra phán quyết cuối cùng.

Theo cáo trạng, Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam đã bàn bạc đề ra chiến thuật mua bán để thao túng giá chứng khoán hai mã cổ phiếu BII và TGG, đẩy giá cổ phiếu tăng cao.

Các bị cáo đã lập 17 tài khoản mua bán chéo lẫn nhau hai cổ phiếu này nhằm thao túng tạo cung cầu giả, dẫn đến nhiều nhà đầu tư hiểu lầm và tham gia mua bán.

Mã cổ phiếu BII và TGG ban đầu được nhóm của Nhân và Nam mua với giá 1.000 - 5.000 đồng. Nhóm này đã dùng nhiều tài khoản mua bán chéo lẫn nhau để thổi giá.

Ngay sau khi cổ phiếu lập đỉnh, các bị cáo lập tức thực hiện chốt lệnh để thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, bị cáo Nhân còn lập nhóm “Louis Family” trên để hô hào nhằm thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư. Ngay sau khi thiết lập vùng giá đỉnh, cổ phiếu TGG giảm liên tục do mất thanh khoản, trắng bên mua hoặc khối lượng giao dịch mua bán rất ít, cổ phiếu TGG sau đó giảm về vùng 10.000 đồng khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng.

điều tra xác định, tổng số tiền do nhóm bị cáo thu lợi bất chính từ hành vi thao túng chứng khoán 2 mã cổ phiếu trên là hơn 154 tỷ đồng.

Với hành vi trên, bị cáo Đỗ Thành Nhân bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cùng tội danh, bị cáo Đỗ Đức Nam - cựu Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt bị tuyên phạt 4 năm tù.

6 bị cáo còn lại bị đề nghị mức thấp nhất 6 tháng tù – 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, bị cáo Nhân là người duy nhất kháng cáo toàn bộ bản án với lý do "án tù quá nghiêm khắc". Việc bị cáo phải một mình khắc phục hậu quả vụ án là chưa hợp lý.

Các vụ án thao túng thị trường chứng khoán được làm rõ trong năm 2024
Bị cáo Đỗ Thành Nhân tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 1/2024. Ảnh: VnExpress.

Tại phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày 9/1/2024, bị cáo nói mình chỉ là "người bán gạo", không có kiến thức đầu tư chứng khoán. Do đó, Nhân bị Đỗ Đức Nam "dẫn dắt, xúi giục". Mọi chiến thuật thao túng giá do Chứng khoán Trí Việt đưa ra, Nhân không nhận thức được hành vi của mình là thao túng thị trường.

Tòa ghi nhận trong thời gian kháng cáo, bị cáo Nhân được gia đình nộp thêm hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhân thân tốt. Tòa cũng xác định số tiền thu bất chính từ vụ án, bị cáo Nhân không hưởng lợi hoàn toàn, do đó giảm cho bị cáo 18 tháng tù, xuống còn 4 năm tù.

Ngoài những vụ án điển hình đã được khởi tố, đưa ra xét xử, năm vừa qua, UBCKNN đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng thị trường chứng khoán. 

Gần đây nhất, ngày 14/11/2024, UBCKNN ban hành Quyết định số 1240/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 cá nhân vi phạm thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu GKM.

Theo đó, cá nhân có tên Phạm Việt Hà đã mượn 23 tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư khác để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu GKM trong giai đoạn từ ngày 2/8/2021 - 28/1/2022.

Với hành vi trên, ông Hà bị phạt 1,5 tỷ đồng, đồng thời ông bị cấm giao dịch chứng khoán 2 năm kể từ ngày 9/10/2023; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trong 2 năm kể từ ngày 9/10/2023.

Với 23 cá nhân cho mượn tài khoản, UBCKNN quyết định cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 14/11/2024, đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 14/11/2024.

Đến ngày 27/11/2024, UBCKNN đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (mã chứng khoán ART), là một công ty có liên quan đến Tập đoàn FLC và vụ án thao túng chứng khoán do ông Trịnh Văn Quyết gây ra.

Cụ thể, UBCKNN xử phạt BOS 175 triệu đồng do có nội dung sai lệch về tỷ lệ vốn khả dụng đối với báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30/4, 31/5, 30/6, 31/7 và 31/8 và báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30.6 đã được soát xét. 

Ngoài BOS, 1 đơn vị thành viên khác trong hệ sinh thái FLC là Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (mã chứng khoán GAB). Công ty này bị phạt 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26907 sec| 670.805 kb