Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương được thành lập theo quyết định số 401-QĐ/TWĐTN ngày 15/6/1989 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trung tâm có chức năng tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đoàn xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện các dự án, chương trình có liên quan đến giáo dục truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn xã hội, các bệnh lây truyền, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xã hội, giáo dục thể chất, tinh thần giáo dục pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin triển lãm cho thanh, thiếu niên. Xây dựng mô hình và tổng kết thực tiễn để tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đoàn nhân rộng các mô hình có tính điển hình.
Theo tìm hiểu, khu đất số 1-5 Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội trước đây là đất của Tổng công ty xây dựng Sông Đà. Tháng 11/1990, khu đất này được giao lại cho Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu nhi (nay là Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương) quản lý và sử dụng.
Tổng diện tích khu đất bao gồm 9.100m2, trong đó Xí nghiệp in Báo Nhi đồng gần 800 m2, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương là 7.125m2 để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của trung tâm, còn lại hơn 1.200m2 đất các hộ dân lấn chiếm.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, thay vì sử dụng đất theo đúng mục đích được giao thì Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương lại “xẻ thịt” đất cho thuê nhằm thu lợi bất chính và có dấu hiệu trốn thuế.
Có mặt tại Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương số 1 – 5 Nguyễn Quý Đức, PV ghi nhận, mặt trước là các nhà hàng, quán bia, trung tâm tổ chức tiệc cưới, siêu thị, quán cafe, hiệu sách…hoạt động. Mặt sau tiếp giáp với chợ Thanh Xuân là trụ sở giao dịch của Ngân hàng, phòng tập gym…
Các đơn vị này ngang nhiên hoạt động kinh doanh trên đất của Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc lạm dụng quỹ đất công tại Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương nhằm kinh doanh, thu lời bất chính? Nguồn lợi thu được từ những hoạt động này hiện nay do ai quản lý, và hạch toán như thế nào?
Liên quan đến việc quản lý sử dụng đất sai mục đích, UBND quận Thanh Xuân đã kiến nghị lên Sở TN&MT Hà Nội để thanh, kiểm tra những sai phạm trong văn bản số 1301/UBND -TN&MT ngày 11/9/2019 về việc tổ chức thanh tra một số đơn vị đang sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 01/6/2017 của UBND Thành phố về việc tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, lần chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Ngày 03/8/2017, UBND quận Thanh Xuân đã có quyết định số 3011/QĐ – CTUBND về việc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai đối với các tổ chức đang thuê đất trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Trong danh sách các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai có Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương. Văn bản nêu rõ: “Tại thời điểm kiểm tra, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương đã cho một số đơn vị thuê tài sản trên đất không đúng quy định và sử dụng đất không đúng mục đích được thuê, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất, chưa được ký Hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
PV PhapluatNet đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương. Tại buổi làm việc có ông Trần Sỹ Minh – Phó Giám đốc Trung tâm, ông Lê Quang Hưng – Chánh Văn phòng. Ông Lê Quang Hưng cho rằng, văn bản kiến nghị của UBND quận Thanh Xuân gửi Sở TN&MT là không đúng.
Ông Trần Sỹ Minh thì cho rằng, Đoàn TNCS HCM đã có quyết định về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế theo cơ chế tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên cho Trung tâm Thanh thiếu niên TW giai đoạn 2016 – 2018, 2019 – 2021. Vậy nên, việc cho các hộ dân thuê đất sẽ đóng góp một phần nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của trung tâm.
Trước thực tế này, đề nghị UBND TP Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sử dụng, quản lý đất công trên địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng và trên địa bàn Thành phố nói chung. Đồng thời, có kế hoạch xử lý những vi phạm sử dụng đất công không đúng mục đích trên khắp địa bàn Thành phố.
Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013 có những quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 64 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.