Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 27 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội ma có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) và các đơn vị liên quan.
Theo kết luận, có 27 bị can bị đề nghị truy tố, trong đó gồm 7 bị can là cựu lãnh đạo và nhân viên của Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái bị truy tố về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đáng chú ý, có ông Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT; Nguyễn Văn Thuấn - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa - cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Hồ Đức Hợp - cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái.

Riêng bị can Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch Công ty Thái Dương bị đề nghị truy tố về 3 tội danh "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "Gây ô nhiễm môi trường".
Theo kết luận điều tra, Công ty Thái Dương được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ năm 2009. Năm 2011, công ty này nộp hồ sơ xin khai thác quặng đất hiếm nhưng chưa được phê duyệt. Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012, yêu cầu khai thác khoáng sản phải đi đôi với chế biến sâu thì Công ty Thái Dương phải lập dự án đầu tư chế biến sâu đất hiếm, trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xin ý kiến Chính phủ.
Sau khi Bộ Công thương thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính khả thi của dự án chế biến sâu, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT tiếp tục thẩm định và cấp phép cho Công ty Thái Dương. Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011, đã hết hạn từ năm 2012. Ngoài ra, công ty này không đảm bảo vốn chủ sở hữu tối thiểu 30% trên tổng số vốn đầu tư, vi phạm quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.
Với vai trò là Thứ trưởng Bộ TN&MT, phụ trách việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, qua nghiên cứu tờ trình của Tổng cục Địa chất & Khoáng sản cũng như hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Linh Ngọc biết rõ Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện được cấp phép.
Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT vẫn ký giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên đất hiếm cho Công ty Thái Dương khai thác trái phép, gây thất thoát hơn 864 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn đã bán trái phép hơn 10 triệu kg quặng đất hiếm trị giá hơn 403 tỷ đồng và hơn 280 triệu kg quặng sắt, trị giá hơn 333 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.
Bị can Huấn còn chỉ đạo bị can Nguyễn Văn Chính (khi đó là Phó Tổng Giám đốc kiêm kế toán trưởng Công ty Thái Dương) xuất hóa đơn bán quặng đất hiếm và quặng sắt thấp hơn giá bán thực tế, khai man, để ngoài sổ sách kế toán hơn 27 tỷ đồng doanh thu, không kê khai nộp thuế, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 9 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, bị can Lưu Anh Tuấn với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đất hiếm Việt Nam đã thỏa thuận với ông Đoàn Văn Huấn xuất hóa đơn mua bán đất hiếm không đúng thực tế, gây thiệt hại tiền thuế cho nhà nước hơn hơn 7,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị can Tuấn còn sử dụng 15 hóa đơn phản ánh số lượng vật tư đầu vào nhiều hơn thực tế mua bán tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng để hạch toán, kê khai thuế, vi phạm pháp luật về kế toán, gây thiệt hại tiền thuế cho nhà nước hơn 4 tỷ đồng.
Tổng cộng, bị can Tuấn gây thiệt hại cho nhà nước hơn 11 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, bị can phải liên đới chịu trách nhiệm với ông Huấn do gây thiệt hại hơn 7,3 tỷ đồng, chịu trách nhiệm chính với số tiền thiệt hại hơn 4 tỷ đồng.
Theo Cơ quan điều tra, bị can Tuấn còn có hành vi buôn lậu. Cụ thể, từ năm 2019- 2023, bị can Tuấn đã chỉ đạo nhân viên khai báo hải quan gian dối mã hàng hóa, mã loại hình xuất khẩu và nguồn gốc nguyên liệu dùng để sản xuất, xuất khẩu tại 63 tờ khai hải quan, qua đó Công ty cổ phần đất hiếm Việt Nam xuất khẩu trái phép 474,98 tấn “tổng oxit đất hiếm”, trị giá hơn 379 tỷ đồng.