Ngày 17/1, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và 16 bị cáo khác về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong số 17 bị cáo có bị cáo Nguyễn Xuân Phong xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Đây cũng là bị cáo duy nhất được tại ngoại.
Phiên tòa dự kiến kéo dài nhiều ngày (tính cả ngày nghỉ). Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vũ Quang Huy.
Tòa triệu tập UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty cổ phần Rạng Đông, Công ty cổ phần Thông tin và thẩm định giá miền nam (SIVC) cùng nhiều cá nhân khác tới phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Có gần 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất, bị cáo Lê Tiến Phương đã chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ông Phương biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại đây, được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất của Công ty SIVC và dự thảo phương án giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, ông Phương vẫn thống nhất với kết quả tư vấn xác định giá đất và phương án giá đất do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trong đó sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán, tính giá đất nhà cao tầng bằng cách thức, phương pháp xác định như đối với biệt thự, nhà liền kề.
Ông Phương cũng ký ban hành quy định phê duyệt giá đất tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá 2.577.000 đồng/m2 trái quy định của pháp luật gây thiệt hại ngân sách hơn 308 tỷ đồng.
Tương tự như ông Phương, các bị cáo khác có các sai phạm bao gồm cố ý làm trái nhiệm vụ được giao trong quy trình xây dựng, thẩm định phương án giá đất; thống nhất sử dụng kết quả xác định giá đất, trong đó sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không có căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán.
Các bị cáo còn tính chung giá đất nhà cao tầng như đất biệt thự, nhà liền kề và ước tính tổng doanh thu phát triển đất nhà cao tầng từ việc chuyển nhượng diện tích đất nền nhà cao tầng trái quy định pháp luật và trái ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Nhóm bị cáo thuộc Công ty Tư vấn thẩm định giá đã cùng nhau thống nhất việc xây dựng Chứng thư thẩm định giá, trong đó sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán...
Viện kiểm sát kết luận, hành vi phạm tội của 17 bị can là nguyên nhân trực tiếp gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 308 tỷ đồng. Công ty cổ phần Rạng Đông đang được hưởng số tiền này.
Quá trình điều tra, Công ty Rạng Đông đã nộp 90 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả. Còn các bị can đã nộp khắc phục hậu quả tổng số tiền là 150 triệu đồng.