Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho bộ Công an

Đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho bộ Công an
Bộ Công an đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho bộ này phụ trách, thay vì Bộ GTVT như hiện nay.

Vnexpress đưa tin, ngày 27/4, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cơ quan công an thống nhất quản lý từ sát hạch, cấp bằng lái xe cho đến việc chấp hành pháp luật của tài xế khi điều khiển phương tiện trên đường.

Đề xuất dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (BĐ TT ATGT ĐB) quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan nhà nước và địa phương đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, các bộ, ngành liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Dân Trí, cụ thể, bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm đưa pháp luật về trật tự, giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy, bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và phối hợp với bộ Công an trong công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường bộ…

Ngoài ra, Bộ Y tế còn phối hợp cùng bộ Công an trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Trong khi đó, bộ Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đưa ra các quy định và thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông và tổ chức việc kiểm định xe cơ giới. Đây cũng là cơ quan đưa ra các quy định về tải trọng và cấp phép cho xe quá tải, quá khổ…

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời đại diện Cục CSGT cho biết, tình trạng vi phạm TTATGT đang diễn ra ngày càng phức tạp. Tính riêng trong năm 2019, hơn 70% các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Và trong các vụ TNGT, có rất nhiều vụ nguyên nhân xuất phát do công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Vị này đánh giá thực tế hiện nay cho thấy sau khi được cấp GPLX, người lái xe gần như không bị ai quản lý. Không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị còn lỏng lẻo trong công tác cấp và cấp lại GPLX khiến hàng trăm ngàn GPLX bị tạm giữ, tước quyền sử dụng không có người đến nhận.

Đại diện Cục CSGT khẳng định ở đây "không có sự tranh giành" mà nhằm phân định rõ nhiệm vụ; trong đó công an sẽ chịu trách nhiệm về lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông, quản lý người lái và phương tiện; còn ngành giao thông tập trung về đầu tư, phát triển hạ tầng, xây dựng cầu, đường.

"Phân định như vậy sẽ tránh được chồng chéo nhiệm vụ và giúp quản lý đồng bộ, hiệu quả hơn", vị này nói.

Đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho bộ Công an
Đề xuất chuyển chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho bộ Công an. Ảnh minh họa.

Trước băn khoăn về việc thay đổi cơ quan chịu trách nhiệm sát hạch, cấp GPLX sẽ làm phát sinh chi phí, nhân lực, đại diện Cục CSGT khẳng định trước đây ngành công an từng phụ trách và hiện nay vẫn đang tổ chức sát hạch GPLX cho lực lượng CAND nên đã có . Cơ sở vật chất là các sân sát hạch của trường công an, của Cục CSGT sẽ được tận dụng.

Cùng với đó, sát hạch viên sẽ là cán bộ công an, hiện ngành công an đã triển khai lực lượng tới bốn cấp, do vậy về cơ bản không làm tăng biên chế, chỉ cần bồi dưỡng, tập huấn mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng đường bộ, không đưa ra bình luận về đề xuất của Cục CSGT. "Chúng tôi đang tập trung xây dựng dự thảo Luật đường bộ, còn lĩnh vực sát hạch lái xe do đơn vị nào quản lý thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và Quốc hội", ông Huyện nói.

Luât sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, lĩnh vực đào tạo, cấp bằng lái xe được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện ổn định hàng chục năm qua, chỉ nên sửa đổi nếu phát sinh vấn đề cấp thiết. "Quan trọng nhất là thực hiện cho tốt quy định hiện hành, tiếp tục cải cách hành chính để phục vụ người dân", ông Lực nói.

Ngoài ra, Lực nhận định nếu chuyển sát hạch cấp bằng lái sang Bộ Công an sẽ kéo theo hàng loạt cơ sở vật chất, nhân lực... dẫn đến phát sinh tốn kém ngân sách.

Luật sư (LS) Bùi Đình Ứng, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết trước đây việc sát hạch GPLX từng giao cho ngành công an phụ trách, sau đó chuyển về cho ngành giao thông vận tải, nay lại đề xuất quay lại với ngành công an. Điều này sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, do đó phải có những cơ sở khoa học thực sự thuyết phục.

Bộ Công an cho rằng việc sát hạch, cấp GPLX do ngành giao thông vận tải quản lý hiện còn nhiều kẽ hở, lỏng lẻo. Vậy khi chuyển về cho ngành công an thì có đảm bảo sẽ không có những hạn chế tương tự? Theo LS Ứng, nếu có kẽ hở thì việc cần thiết nhất bây giờ là phải tính cách bịt kẽ hở đó. Bộ GTVT cần có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sát hạch GPLX, khắc phục những tồn tại. “Tôi cho rằng nếu nêu lý do vì còn những kẽ hở, tiêu cực mà phải thay đổi cơ quan phụ trách sát hạch GPLX thì thực sự chưa thuyết phục” - LS Ứng nêu quan điểm.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25444 sec| 645.719 kb